Tiết trời mùa xuân càng trở nên tươi đẹp, rộn ràng hơn trong ngày nộp lúa mới. Từ nhiều năm trở lại đây, đối với chị em ở Pơ Nang, ngày này đã trở thành một ngày hội đầy ý nghĩa. Bà Xem, làng Pơ Nang, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang chia sẻ: Nhà tôi trước đây thường thiếu ăn khi đến mùa giáp hạt, lúa chưa chín chưa gặt được nên phải đi mượn. Nhưng từ khi Kho thóc ra đời đã giúp tôi có lúa gạo để ăn. Giờ đến mùa thu hoạch, tôi rất phấn khởi đi góp lúa để dành cho những lúc khó khăn.
Với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình bà Sar không chỉ thiếu đói vào mùa giáp hạt mà thường xuyên thiếu thốn trong năm. Do đó, bà là một trong những đối tượng thường được Chi hội Phụ nữ làng Pơ Nang xuất lúa giúp đỡ. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình bà cũng dần ổn định và no đủ hơn khi bớt đi nhiều gánh nặng từ việc vay mượn ở bên ngoài. Bà Sar, Làng Pơ Nang, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang cho biết: Từ khi làng có "Kho thóc tình thương", gia đình tôi thường xuyên được chị em hỗ trợ lúa gạo. Không phải vay mượn lãi cao ở bên ngoài nên dần dần lúa gạo tôi làm cũng đủ ăn. Tôi rất vui và cảm ơn chị em rất nhiều.
Tại làng Dơ Nâu, xã Kon Thụp, hàng năm, “Kho thóc tình thương” không chỉ giúp đỡ trên 20 hộ khó khăn không cần trả lại, đáp ứng nhu cầu mượn lúa ăn trong thời điểm giáp hạt cho cả làng mà còn tạo ra nguồn quỹ để hỗ trợ hội viên khó khăn phát triển kinh tế. Chỉ với 10 kg lúa/mỗi chị/năm, mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực đáng tự hào. Sắp tới, chị em dự định sẽ mở rộng thêm quy mô kho thóc. Chị Toach, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Dơ Nâu, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang cho biết: Trước kia khi chưa có gạo ăn thì chị em mượn quán, lãi rất cao, từ khi có kho thóc tình thương thì đỡ hơn, không phải vay trả lãi. Bây giờ nộp như thế này, chị em mình rất vui, rất phấn khởi. Lúc gặt lúa xong ai cũng dành lúa để góp phòng những lúc khó khăn.
Chị Hnhen, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Kon Thụp, huyện Mang Yang cho biết thêm: Lúc đầu chỉ có một, hai kho. Sau đó chúng tôi nhân rộng ra được 4 kho. Tổng được 9,7 tấn lúa và đã giúp 74 hộ viên nghèo khó khăn được vay. Trong đó có 20 hộ viên đặc biệt khó khăn không phải trả lại. Mô hình này giúp chị em thứ nhất là cứu đói, thứ hai là tạo thành thói quen cứu đói, thứ ba là tiết kiệm trong chi tiêu, thứ tư là chị em có tình đoàn kết. Nhờ đó chị em không phải đi vay mượn.
Bắt đầu được thành lập từ năm 2008 với 01 mô hình điểm, đến nay, trên địa bàn huyện Mang Yang đã nhân rộng được 8/12 xã, thị trấn với 25 kho thóc, thu trên 42 tấn và thu hút được trên 3000 chị em tham gia. Với hiệu quả thiết thực trong việc cứu đói cũng như hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, đầu tư cho con em học tập, “Kho thóc tình thương” là mô hình được Hội LHPN huyện chú trọng nhân rộng.
Trao đổi với chúng tôi Bà Phạm Thị Bẩy, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mang Yang cho biết: Để phát huy hiệu quả các mô hình cần phải có sự tuyên truyền vận động để chị em thấy được tính nhân văn, tính cộng đồng cũng như rèn cho chị em tính tiết kiệm. Hình thức chúng tôi làm thì lấy mô hình có hiệu quả rồi, như ở xã Kon Chiêng, lấy số thóc dư bán lấy quỹ cho chị em vay để đầu tư sản xuất. Ở xã Kon Thụp thì nhân rộng và mở rộng các kho thóc.
Tích tiểu thành đại, lúc có để dành cho lúc khó khăn là điều chị em phụ nữ người Ba Na đã học được từ những mô hình thiết thực như “Kho thóc tình thương”. Không chỉ góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hình thành lối sống tiết kiệm, đồng thời lan tỏa rộng khắp thông điệp đầy tính nhân văn, “Kho thóc tình thương” cũng đang dần trở thành chất keo giúp cộng đồng người Ba Na trên địa bàn huyện Mang Yang ngày càng thêm gắn kết hơn, đoàn kết cùng giúp nhau phát triển.
Không còn nặng trĩu nỗi lo bị thiếu đói hay phải chạy vạy vay mượn để có gạo ăn khi đến mùa giáp hạt hàng năm. Điều này không chỉ mang lại niềm vui lớn của bà con nhiều làng DTTS trên địa bàn huyện Mang Yang mà còn là kết quả đáng tự hào được ghi nhận từ mô hình “Kho thóc tình thương” đang được Hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện tích cực triển khai thực hiện trong thời gian qua.