Dù đã ở ngưỡng tuổi U50 nhưng được Hội LHPN xã và huyện Cư M’gar hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng kinh doanh, trợ giúp pháp lý và kết nối tiêu thụ sản phẩm chị Trần Thị Kim Luyến ở thôn 4, (xã Ea Tar) đã khởi nghiệp thành công từ sản phẩm tinh bột nghệ.
Cơ sở sản xuất tinh bột nghệ của chị Luyến được đầu tư máy móc hiện đại, mỗi khâu trong quá trình sản xuất được kiểm soát nghiêm ngặt, không sử dụng chất nhân tạo nên sản phẩm làm ra được thị trường rất ưa chuộng. Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất tinh bột nghệ vàng, trắng truyền thống, chị còn nghiên cứu, tìm hiểu để tạo ra sản phẩm tinh bột nghệ mật ong đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Đến nay, các sản phẩm tinh bột nghệ của gia đình được tiêu thụ ở các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Singapore và nhiều tỉnh, thành trên cả nước như: Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bến Tre, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội... Trung bình, mỗi năm chị cung cấp cho thị trường gần 2 tấn tinh bột nghệ các loại, doanh thu mang lại hơn 600 triệu đồng, và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương.
Hiện, sản phẩm tinh bột nghệ của gia đình đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đặc biệt, năm 2019 sản phẩm đã lọt top 10 thương hiệu dẫn đầu Việt Nam… Chị Luyến – chia sẻ: “Trong quá trình làm sản phẩm tinh bột nghệ tôi được Hội LHPN huyện và xã hỗ trợ rất tích cực, từ khâu khâu lên ý tưởng, triển khai xây dựng sản phẩm, đưa ra thị trường…
Từ đó, sản phẩm tinh bột nghệ của gia đình ngày càng nâng lên về chất lượng, được đông đảo người tiêu dùng tìm đến. Hằng năm, sau khi trừ hết các chi phí đầu tư về nguyên liệu, nhân công cũng mang về cho gia đình thu nhập trên 200 triệu đồng…”.
Thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017 – 2025”, Hội LHPN huyện Cư M’gar đã chỉ đạo các cơ sở Hội căn cứ tình hình thực tế chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lồng ghép hiệu quả trong các hoạt động, chương trình, phong trào của Hội hằng năm. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tạo động lực cho phụ nữ trong khởi nghiệp. Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ hoàn thiện ý tưởng khởi nghiệp và biến ý tưởng thành sản phẩm, mô hình cụ thể; Tổ chức trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ và của địa phương với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú để chị em kết nối, giao thương, tiêu thụ sản phẩm với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, còn làm đầu mối với các ngân hàng, tranh thủ vốn từ các chương trình, dự án, các tổ, nhóm tiết kiệm hỗ trợ phụ nữ vay vốn…
Sau hơn 4 năm triển khai Đề án, Hội LHPN huyện Cư M’gar đã phối hợp tư vấn, tập huấn kiến thức về khởi sự, khởi nghiệp cho 23.900 lượt hội viên phụ nữ; hướng dẫn, hỗ trợ hiện thực hóa 219 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ; tạo điều kiện cho các chị em vay được hơn 130 tỷ đồng, trong đó có hơn 1,6 tỷ đồng từ nguồn vốn “Khởi nghiệp”…
Với sự hỗ trợ, tiếp sức của các cấp Hội LHPN trong huyện, rất nhiều phụ nữ đã khởi nghiệp thành công với nhiều sản phẩm đặc trưng cho thu nhập cao và ổn định, có những chị đã và đang giữ vai trò làm chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn. Đặc biệt, nhiều mô hình phụ nữ khởi nghiệp làm chủ đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…
Bà Lê Thị Thu Hiền – Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M’gar cho biết: “Chị em đã mạnh dạn, tự tin hơn triển khai các dự án, đề án khởi nghiệp của bản thân. Đặc biệt, nhiều chị đã linh hoạt cùng nhau liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để nâng cao hiệu quả của sản xuất, kinh doanh… Từ đó, nhiều ý tưởng khởi nghiệp đã được hiện thực hóa, thành những mô hình kinh tế có hiệu quả. Đặc biệt, năm 2020 có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm 3 sao cấp tỉnh…”
Từ sự đồng hành của Hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện Cư M’gar đã đưa phong trào sáng tạo, khởi nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Điều đáng phấn khởi, không chỉ thể hiện qua các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ được hình thành mà chính là sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của chị em, giúp nhiều phụ nữ vượt qua tâm lý tự ti, an phận mà chủ động hơn để tìm hiểu, nâng cao kiến thức và vươn lên khởi nghiệp, khởi sự, phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần không ngừng khẳng định vị thế, vai trò của phụ nữ trong xã hội, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.