Nhờ nguồn vốn vay NHCSXH, nhiều người dân Khánh Vĩnh đầu tư trồng bưởi, vươn lên thoát nghèoĐược sự giới thiệu của cán bộ NHCSXH huyện Khánh Vĩnh, chúng tôi tìm về thôn Bắc Sông Giang, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh gặp ông Phan Tại, một trong những hộ vay vốn của Ngân hàng, đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình có hiệu quả.
Chúng tôi đến khi mặt trời đã đứng bóng, ông Tại vẫn đang miệt mài chăm sóc vườn bưởi của mình khi chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Thấy có khách đến, ông Tại dừng tay, lau vội những giọt mồ hôi vương trên trán, vui vẻ mời khách vào nhà.
Vừa pha ấm trà mời khách, ông Tại kể: Năm 2015, tận mắt chứng kiến hiệu quả của mô hình trồng bưởi của nhiều hộ dân tại địa phương, ông muốn đầu tư 1,5ha đất để trồng nhưng lại khó khăn về vốn. Nhờ có địa phương giới thiệu, ông mạnh dạn làm đơn xin vay vốn và được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay, ông đầu tư trồng 500 gốc bưởi. Cây bưởi phát triển tốt nhưng năm 2017, cơn bão số 12 đã làm hư hại gần nửa vườn bưởi của gia đình.
“Thấy tôi chí thú làm ăn nhưng gặp rủi ro, NHCSXH huyện Khánh Vĩnh tiếp tục đồng hành hỗ trợ cho vay thêm 20 triệu đồng để khắc phục. Đến năm 2019, gia đình tôi đã thu hoạch lứa bưởi đầu tiên được 4 tạ. Sau đó, cứ 1 tháng, tôi thu hoạch 1 lần nên gia đình tôi có thu nhập ổn định”, ông Tại chia sẻ thêm.
Những năm gần đây, do giá bưởi không ổn định nên ông Tại chuyển sang trồng sầu riêng. Hiện nay, vườn của gia đình ông có 250 cây sầu riêng; trong đó có 30 cây đã cho thu hoạch được 2 tấn, bán được 150 triệu đồng. Dự kiến, cuối năm nay và đầu năm sau, tất cả các cây còn lại sẽ cho thu hoạch. Ngoài vườn bưởi và sầu riêng, ông Tại còn đầu tư trồng 3ha keo, chuẩn bị cho thu hoạch. Nhờ chăm chỉ làm ăn, ông Tại đã xây dựng được nhà cửa khang trang, trả hết nợ ngân hàng.
Gia đình bà Hoàng Thị Liên, thôn A Xay, xã Khánh Nam cũng thuộc diện hộ nghèo, được NHCSXH cho vay vốn, giờ đã thoát nghèo. Bà Liên cho biết: Năm 2020, gia đình tôi mạnh dạn vay 50 triệu đồng đầu tư trồng 3ha keo. Sau đó, vợ chồng tôi tiếp tục vay 50 triệu đồng đầu tư 2 sào bưởi, chăn nuôi gà, trồng lúa nước… Mỗi năm, tôi có thu nhập gần 100 triệu đồng, trừ các khoảng chi phí số tiền còn lại để dành trả ngân hàng và tái đầu tư.
Không chỉ cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh, NHCSXH huyện Khánh Vĩnh còn giúp hơn 1.500 hộ dân vay vốn xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh đạt chuẩn, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Là một trong những hộ đồng bào dân tộc thiểu số mạnh dạn vay vốn để đầu tư bồn chứa nước sạch, nhà vệ sinh, nhà tắm, chất lượng cuộc sống của gia đình bà Lục Thị Hè (63 tuổi, thôn A Xay, xã Khánh Nam) được cải thiện đáng kể.
Theo bà Hè, từ khi có bồn và bi chứa nước, bà không phải cực khổ chạy xe đi chở nước hằng ngày như trước và không còn nỗi lo bị té khi phải đi ra nhà vệ sinh cũ đặt cách nhà hơn 50m, nhất là vào đêm tối hay khi mưa gió.
Bà Lục Thị Hè (bên trái) thôn A Xay, xã Khánh Nam vui mừng vì được NHCSXH cho vay vốn để đầu tư hệ thống nước sạchBà Lê Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nam cho hay: Hiện nay, xã có 618 hộ dân, trong đó có hơn 300 hộ được vay vốn từ NHCSXH huyện. Nhờ mạnh dạn vay vốn đầu tư các mô hình sản xuất, đầu tư công trình nước sạch... nên cuộc sống của người dân ổn định hơn, nhiều hộ đã thoát nghèo, có cuộc sống sung túc.
Theo NHCSXH huyện Khánh Vĩnh, hiện nay, tỷ lệ tăng trưởng vốn tín dụng trên địa bàn huyện đạt 10,82% so với đầu năm 2024. Trong đó, riêng chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn có dư nợ hơn 107 tỷ đồng, với 2.078 hộ vay; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hơn 30,8 tỷ đồng, với 1.554 hộ vay, trong đó có 684 đồng bào DTTTS.
Các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện cùng với các chính sách khác đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Khánh Vĩnh. Đến cuối năm 2024, số hộ nghèo của huyện giảm 1.418 hộ so với cuối năm 2023; số hộ cận nghèo toàn huyện giảm 297 hộ.
Ngoài công tác cho vay, cán bộ NHCSXH huyện Khánh Vĩnh còn đến từng hộ để hướng dẫn cách làm ăn theo kiểu "cầm tay chỉ việc"Ông Nguyễn Minh Hoan, Giám đốc NHCSXH huyện Khánh Vĩnh chia sẻ: Để đạt được kết quả nêu trên, thời gian qua, Ngân hàng luôn nhận được sự quan tâm phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn thể các cấp trong công tác tuyên truyền và triển khai hiệu quả nguồn vốn. Qua đó, giúp nguồn vốn tín dụng chính sách đến được 100% thôn, tổ của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho các đối tượng có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, kịp thời.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ ngân hàng luôn chủ động, sâu sát cơ sở, kịp thời nắm bắt, theo dõi sát sao, động viên những hộ vay vốn gặp khó khăn, tạo điều kiện gia hạn nợ cho những khách hàng gặp rủi ro đột xuất.
"NHCSXH huyện còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan “cầm tay chỉ việc” để hộ dân, nhất là đồng bào DTTS chủ động sử dụng nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước", ông Nguyễn Minh Hoan cho hay.