Tạo sức lan tỏa để đưa chính sách đi vào cuộc sống
Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời đã tạo thành một “trụ đỡ” chính sách, góp phần thúc đẩy công cuộc giảm nghèo bền vững. Tròn 1 thập kỷ đi vào đời sống, Chỉ thị số 40-CT/TW đã trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Đồng Nai không chỉ là “cầu nối” đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với người dân mà còn là “đòn bẩy” thúc đẩy mối liên kết gắn bó mật thiết giữa Đảng - người dân - chính quyền trong công cuộc đẩy lùi nghèo khó, phát triển bền vững.
Có căn nhà riêng khang trang, rộng rãi là mong ước bao lâu nay của gia đình Trần Thị Loan ở phường Xuân Trung, TP. Long Khánh (Đồng Nai). Chị Loan chia sẻ, gia đình có hai vợ chồng và 02 người con. Nhiều năm nay, cả gia đình sống trong căn nhà chật hẹp của bố mẹ, chưa có điều kiện ra ở riêng. Chồng là lao động tự do, chị là cán bộ đang công tác trên địa bàn. Đồng lương ít ỏi cùng nhiều chi phí trong cuộc sống khiến gia đình chị chưa có điều kiện để mua nhà ở xã hội. Con cái ngày một lớn, cần một không gian rộng hơn để sinh hoạt. Tìm hiểu thông tin, chị mạnh dạn đăng ký vay vốn hỗ trợ nhà ở xã hội. Qua bình xét, gia đình anh được hỗ trợ vay 620 triệu đồng, cùng với số vốn mượn thêm người thân, để mua nhà ở xã hội. Tháng 12/2023, căn nhà mới khang trang, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi và không gian sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình đã hoàn thiện. Gia đình chị Loan rất phấn khởi, có chỗ ở ổn định, vợ chồng chị yên tâm, tập trung công tác, con cái thoải mái học tập, vui chơi.
Tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai Lê Bá Chuyên, cho biết: 10 tháng đầu năm 2024, Chi nhánh đã chủ động bám sát chỉ đạo của Tổng Giám đốc, cấp ủy, chính quyền và Ban đại diện Hội đồng Quản trị (HĐQT) NHCSXH các cấp để triển khai công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; tổ chức giải ngân kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn phục vụ sản xuất-kinh doanh, phục vụ các nhu cầu thiết yếu, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Tính đến cuối tháng 10/2024, tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại tỉnh Đồng Nai đạt 1.877 tỷ đồng, bằng 127% so với cùng kỳ năm 2023, với 40.766 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 1.161 tỷ đồng, bằng 136% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai đang triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng, với 127.431 hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tổng dư nợ cho vay đạt 5.694 tỷ đồng, tăng 716 tỷ đồng so với đầu năm; bình quân dư nợ một đơn vị cấp huyện đạt 521 tỷ đồng/đơn vị, bình quân dư nợ một đơn vị cấp xã đạt 33,5 tỷ đồng/đơn vị, bình quân dư nợ một tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 2.197 triệu đồng và bình quân dư nợ một hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn NHCSXH đạt 44,7 triệu đồng. Chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được duy trì, củng cố, nâng cao. Nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm tỉ lệ 0,21% tổng dư nợ.
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và Quyết định 1630/QĐ-TTg, Chi nhánh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện tham mưu Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (UBND) cùng cấp chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương năm 2024 sang NHCSXH ngay từ đầu năm, để kịp thời cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 1.539,9 tỷ đồng, chiếm 27% tổng nguồn vốn, tăng 1.436 tỷ đồng so với 31/12/2014 và tăng 301 tỷ đồng so với đầu năm. Tất cả các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh được bố trí đảm bảo thuận lợi, an toàn.
Kết quả, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung, hoạt động của NHCSXH nói riêng trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch hoạt động thường xuyên. Các cấp ủy đảng xác định NHCSXH là một trong những công cụ để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Từ đó theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện để NHCSXH, UBND, các ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động.
Trong 10 tháng đầu năm, nguồn vốn đã tạo điều kiện cho 2250 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn, tạo điều kiện giúp 40.766 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay số tiền 1.877.376 triệu đồng để tổ chức sản xuất kinh doanh, phục vụ các nhu cầu thiết yếu, tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập và điều kiện sống.
Qua đó, đã góp phần cùng với các giải pháp của các cấp, các ngành duy trì và tạo việc làm mới cho 17.095 lao động; giúp 17.592 hộ gia đình khu vực nông thôn xây dựng, cải tạo 17.592 công trình nước sạch và 17.479 công trình nhà vệ sinh; 3.135 lượt học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn vay vốn, để trang trải học tập; xây mới và mua 200 căn nhà ở xã hội; 2.250 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn để tổ chức sản xuất-kinh doanh; giải quyết việc làm 91 người chấp hành xong án phạt tù.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành trong thực hiện các Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Điều đó đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đẩy lùi tín dụng đen, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và trật tự, an toàn xã hội. Hiệu quả công tác chỉ đạo đã làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thể hiện rõ trách nhiệm trong việc chỉ đạo quyết liệt đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; các hội, đoàn thể nhận ủy thác từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc nhận ủy thác với NHCSXH.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chi nhánh cũng báo cáo một số tồn tại, cụ thể: Chất lượng tín dụng chưa bền vững; một số Hội đoàn thể cấp xã, một số Tổ tiết kiệm và vay vốn vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, như: So với 31/12/2023, Tổ xếp loại tốt giảm 5,7%, phát sinh 4 Tổ xếp loại yếu; số hộ được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách xã hội tại NHCSXH đang còn thấp so với tổng số hộ dân sinh sống trên địa bàn…
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tín dụng chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội mà NHCSXH đang thực hiện, góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi nhánh đã cho vay đối với 212 hộ vay vốn mua nhà ở xã hội với tổng số tiền 92,3 tỷ đồng tại các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh, gồm: Dự án nhà ở xã hội ở phường Bảo Vinh (TP. Long Khánh) và Dự án nhà ở xã hội A6-A7 (phường Quang Vinh, TP. Biên Hòa). Bình quân mỗi hộ vay từ 600-850 triệu đồng, thời hạn vay tối đa 25 năm. Lãi suất cho vay là 6,6%/năm (bằng lãi suất cho vay hộ nghèo).