Được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, nhiều nông dân nghèo trên địa bàn huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đầu tư nuôi dê hiệu quả. Ảnh: Đức ThịnhTheo báo cáo Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang, tổng dư nợ 4.540,6 tỷ đồng với 99.649 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, doanh số cho vay chủ yếu tập trung ở một số chương trình tín dụng như: Cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; vay giải quyết việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xuất khẩu lao động; sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn…
Ông Vũ Thế Anh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang cho biết, nhằm giúp các hộ đồng bào DTTS có vốn đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, ngân hàng đã triển khai các các gói tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh. Cùng với việc tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo, hộ DTTS tại các xã vùng đặc biệt khó khăn,... để người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, Ngân hàng CSXH luôn ưu tiên và tạo mọi điều kiện thuận lợi về con người, cơ sở vật chất, chính sách đặc thù về công tác cán bộ, thi đua khen thưởng,... cho các phòng giao dịch cấp huyện còn nhiều khó khăn; Nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống để các đơn vị đó triển khai tốt các chương tín dụng chính sách xã hội, bảo đảm nguồn vốn đến đúng các đối tượng thụ hưởng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được phủ sóng đến 100% số xã, thị trấn trong tỉnh một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Vốn tín dụng CSXH đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào DTTS từ mặc cảm, sợ vay, không dám vay nay đã mạnh dạn vay vốn và tập sự làm ăn có hiệu quả. Đồng thời, đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, giúp cho đồng bào DTTS dần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Từ nguồn vốn chính sách đã giúp đồng bào DTTS ở Tuyên Quang phát triển sản xuất, nâng cao thu nhậpĐơn cử, gia đình chị Đặng Thị Nga ở thôn Cây Thị, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang là điển hình sử dụng hiệu quả vốn vay Ngân hàng CSXH. Chị Nga cho biết, đầu năm 2020, gia đình chị được Ngân hàng CSXH huyện Yên Sơn cho vay vốn 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư mua 2 con trâu sinh sản và chăm sóc 2ha rừng keo của gia đình. Cuối năm 2023, rừng keo của gia đình chị được khai thác.
Từ bán gỗ rừng trồng và bán 2 con nghé, gia đình chị thu về 160 triệu đồng. Nhờ đó gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo. Không dừng lại ở đó, đến tháng 3/2024, chị Nga mạnh dạn vay thêm 100 triệu đồng từ Chương trình hộ mới thoát nghèo, để trồng 2ha rừng và làm dịch vụ vận tải. Hiện tại, gia đình chị Nga đang chăn nuôi 3 con trâu và trồng, chăm sóc 10ha rừng keo, đồng thời duy trì 1 xe ôtô để kinh doanh dịch vụ vận tải. Đến nay, gia đình chị Nga đã xây được nhà ở khang trang, từng bước vươn lên trở thành hộ khá của địa phương.
Đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận nguồn vốn chính sách để làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Đặc biệt, thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tự tin, dần nâng cao vị thế trong xã hội.