Ô nhiễm kéo dài, bệnh tật bủa vây
Ấp Phú Mỹ, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em; trong đó có cộng đồng dân tộc người Hoa, dân tộc Sán Dìu. Nhưng từ nhiều năm nay, các hộ dân ở ấp Phú Mỹ phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường trầm trọng, do hoạt động khai thác tài nguyên tại mỏ đá núi Nứa.
Năm 2010, UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép cho Công ty Cổ phần đầu tư khai thác khoáng sản than Đông Bắc khai thác mỏ đá núi Nứa. Sau đó, doanh nghiệp này nhượng lại cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại Phú Minh Châu tiếp tục khai thác mỏ đá núi Nứa từ năm 2016 đến nay.
Trên con đường vào vào mỏ đá núi Nứa, hàng trăm chiếc xe ben, xe tải trọng lớn hoạt động liên tục, tạo nên khói bụi mù mịt hai bên đường. Những cánh rừng cao su nhiều năm tuổi cũng không còn xanh ngút ngàn mà bụi phủ màu xám đục.
Hàng chục hộ dân sống sát bên mỏ đá kêu cứu bởi khói, bụi, tiếng ồn, gây ô nhiễm môi trường, bệnh tật phát sinh từ mỏ đá núi Nứa suốt nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Qua khảo sát thực tế của chúng tôi tại khu vực này cho thấy, có rất nhiều hộ đồng bào DTTS ở ấp Phú Mỹ trước đây dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn trái như: bơ, tiêu, điều, sầu riêng… nay đang bị “mắc kẹt” ở giữa trung tâm mỏ đá. Họ phải gánh chịu hậu quả của ô nhiễm bụi, cây trái chết đứng không còn gì để thu hoạch. Còn tiếng ồn từ nổ mìn, khai thác đá suốt đêm ngày, làm cho nhiều người phải bỏ nhà, bỏ vườn đi nơi khác mà không được đền bù.
Bà Đoàn Thị Thu, nhà gần mỏ đá thở dài than vãn, người dân ở ấp rất khổ sở, nhiều người bị viêm mũi, viêm đường hô hấp do hít phải khói bụi; rồi tiếng ồn từ nổ mìn, các máy xay đá hoạt động ngày đêm khiến cho chúng tôi đau đầu, nhiều lúc còn hoảng loạn tinh thần
"Chúng tôi nhiều lần khiếu nại lên Công ty Phú Minh Châu (Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại Phú Minh Châu - Pv), lên chính quyền xã, tỉnh, nhưng sự việc đâu vẫn hoàn đấy. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này”, bà Thu kiến nghị.
Bà Lương A Làng, dân tộc Hoa theo gia đình vào sinh sống gần mỏ đá ở ấp Phú Mỹ từ những năm 1976. Những năm gần đây, khi mỏ đá khai thác hết công suất, chịu không nổi bụi băm, ô nhiễm môi trường, cây ăn trái không ra quả nên gia đình bà không có thu nhập, đành bỏ rẫy ra chỗ khác ở.
"Chúng tôi nhiều lần gửi đề nghị Công ty Phú Minh Châu bồi thường hoa mầu, cây ăn trái và tiền thuê nơi ở mới, nhưng Công ty vẫn im lặng, không trả lời cho gia đình tôi”, bà Làng bức xúc nói.
Tương tự, ông Sầu, dân tộc Sán Dìu, di cư từ Bắc vào sinh sống ở mỏ đá núi Nứa mấy chục năm qua; nay đang lâm bệnh nặng. Ông Sầu cho biết: Ở bên mỏ đá, khói bụi, ô nhiễm kéo dài, không được hỗ trợ di dời đi nơi khác nên ông đành phải chịu, nay phát hiện bị bệnh viêm phổi nặng và nhiều bệnh khác, không biết có phải nguyên nhân từ hít phải bụi độc hại này không.
"Gần nhà tôi, nhiều máy nghiền đá chạy liên tục từ sáng đến đêm, nên gây bụi mù mịt phủ kín bàn ghế, vật dụng gia đình, cộng với tiếng ồn khiến người dân không thể nào chịu được”, ông Sầu thông tin
Cần đền bù thoả đáng
Ông Phạm Minh Hoàng, cũng sinh sống tại khu vực bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác của mỏ đá, cho rằng, chẳng có mỏ đá nào ở sát khu vực dân cư gây ô nhiễm môi trường như vậy, mà các cấp chính quyền để kéo dài suốt nhiều năm qua. Máy nghiền đá đặt cách nhà chỉ vài chục mét khiến những rẫy tiêu, điều, cà phê bị phủ bụi trắng xóa rồi chết dần chết mòn.
"Chúng tôi phải chặt bỏ trồng lớp mới, nhưng cây non gặp phải bụi đá cũng èo uột, không phát triển nổi. Bụi và tiếng ồn khiến mấy đứa nhỏ bị bệnh ho suốt và tiếng ồn không học hành gì được. Nhà tôi có 2,3 ha đất trồng tiêu, trước đây cho thu nhập rất tốt, nhưng mấy năm nay bị ô nhiễm khói bụi thu hoạch chưa tới 30 triệu đồng”, ông Hoàng nói.
Trước đây, mỗi khi xe tải chở đá chạy khói bụi mù đường, người dân buộc phải ngăn chặn không cho xe qua lại, yêu cầu Công ty Phú Minh Châu tưới nước để đường đỡ bụi. Cách làm này chỉ là nhất thời, giờ công ty lắp thêm máy nghiền đá, với công suất lớn hơn thì thì khói bụi mù mịt hơn.
Trước bức xúc của người dân, đại diện UBND xã Xuân Lập, cho biết: Trước đây, mỏ này là do Công ty than Đông Bắc khai thác đá, việc che chắn bụi chưa đạt yêu cầu, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cũng đã từng kiểm tra và xử phạt, yêu cầu khắc phục ô nhiễm bụi và tiếng ồn. Sau khi Công ty Phú Minh Châu tiếp quản việc sang nhượng khai thác, xã cũng đề nghị Công ty tăng mức chi phí bồi thường cho dân, nhằm giảm bớt thiệt hại, tránh tình trạng khiếu nại kéo dài.
Làm việc với doanh nghiệp khai thác đá, ông Đặng Xuân Tiềm, Giám đốc Công ty Phú Minh Châu, cho biết: Từ khi Công ty được sang nhượng để khai thác vẫn có hỗ trợ, đền bù cho một số hộ dân tiền thuê nhà, cũng như chi phí thiệt hại hoa màu...
"Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân chưa thỏa thuận được. Một số hộ dân muốn được đền bù và di dời đi luôn, nhưng gặp lúc dịch bệnh nên chúng tôi chưa thể đáp ứng yêu cầu của người dân”, ông Tiềm lý giải sự việc
Với việc Giám đốc Công ty Phú minh Châu đã lý giải như vậy, có thể thấy, Công ty vẫn tìm cách trì hoãn mà chưa thực sự quan tâm, bắt tay giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm, cũng như những bức xúc kéo dài của người dân bị ảnh hưởng từ hoạt động của mỏ đá...
Do vậy, một lần nữa người dân mong muốn chính quyền sở tại, ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai, cần tiếp tục vào cuộc can thiệp và giải quyết triệt để sự việc; cũng như xử lý nghiêm khắc những vi phạm đang diễn ra trong hoạt động khai thác mỏ đá nơi đây...