Tan hoang
Con đường vào các xã Châu Hồng, Châu Tiến không còn một quãng nào nguyên vẹn. Dù chỉ 23km nhưng xe chúng tôi phải bò gần 1 giờ đồng hồ mới đến nơi. Vừa lách để tránh ổ voi, vừa phải né từng đoàn xe tải trọng lớn thi nhau cày xới mặt đường. Khổ nhất là những người đi xe gắn máy, phải gọi là nuốt bụi chứ không còn ở mức độ hít nữa. Theo như lời ông Lương Văn Long, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng thì, đã có dự án cải tạo đường, nhưng khi nhà tài trợ đi kiểm tra cũng phải lắc đầu, vì có làm đường cũng hỏng ngay do lượng xe cộ quá nhiều.
Cách trụ sở xã Châu Hồng không xa là các công trường khai thác đá trắng đang hối hả. Dưới những ngọn núi nham nhở, toang hoác, cơ man nào là đá trắng đủ loại to, nhỏ. Tiếng khoan đá, tiếng máy nghiền… đinh tai nhức óc. Theo ông Long thì “tiếng ồn không tài nào chịu được”. Không cần sổ sách, ông Chủ tịch xã Châu Hồng đọc rành mạch 11 điểm mỏ trên địa bàn đang được 11 công ty khai thác, còn trước đây thì con số này là 22.
“Ngoài 50 người dân được tuyển dụng vào làm công nhân thì xã không được gì, kể cả phí bảo vệ môi trường. Trong khi đó, đường sá hư hỏng nặng, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, rồi cả chết người nữa... Chỉ doanh nghiệp được lợi thôi”, ông Long cho biết.
Tại xã Châu Quang, con đường dẫn vào bản Bành nhuộm trắng một màu bụi đá. Những ngọn núi xưa nay xanh thẳm giờ phải nhường chỗ cho màu đỏ. Gần như không còn một ngọn núi nào vẹn nguyên. Khai thác, chế biến… hết tiếng nổ mìn, máy khoan, máy nghiền đến tiếng xe ầm ĩ suốt cả ngày. Xe chạy đến đâu, bụi tung đến đó. Bụi đến nỗi người dân phải lắp vòi nước hai bên đường để tưới liên tục nhưng cũng không thể lại. Không một ngọn cây nào ở bản Bành còn rõ màu xanh...
Tang tóc
Nằm sâu hơn các xã khác, nhưng xem ra “tình cảnh” của xã Châu Tiến cũng chẳng khá hơn. Niềm an ủi duy nhất theo như ông Vy Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã là: “Nguồn nước xã tôi may mắn nằm ở bên phải đường, không bị ô nhiễm do khai thác quặng thiếc”. Cũng theo ông Dương, mùa nào cũng khổ, nắng thì bụi bặm, mưa thì lầy lội. Đã có nhiều vụ tai nạn giao xảy ra do đường quá trơn... Đoạn ông chùng giọng: “Ở bản Phẩy có người vừa bị đá vùi lấp, thương tâm lắm!”.
Tại bản Phẩy, bà Lương Thị Tuyết vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của con mình, anh Vy Văn Hợp. Bà mếu máo: Bữa đó là ngày rằm tháng 6. Em nó làm công nhân lái máy cho Công ty Hà An ở mỏ đá Na Biêng. Khoảng 9 giờ sáng, Hợp đang nghiền đá dưới chân núi thì cả một khối lượng lớn đá từ trên cao ập xuống, vùi lấp cả máy lẫn người.
Đau đớn hơn là cái chết của hai vợ chồng anh Lương Văn Tuấn và chị Lương Thị Hảo ở bản Huống, xã Châu Hồng. Anh chị có 3 con trai, đứa lớn năm nay 18 tuổi, con út 8 tuổi. Có lẽ với ước mong con cái phương trưởng, nên người mà anh chị chọn đặt tên hai đứa đầu là Thành và Công. Lương Tuấn Thành, cậu anh cả bây giờ phải gánh cả ba vai, vừa làm anh vừa phải làm cha làm mẹ cho hai em.
Thành kể: Ra tết năm ngoái, con theo người ta sang Trung Quốc làm ăn với mong muốn kiếm tiền góp với cha mẹ để mổ não cho em An, em bị bệnh não úng thủy. Chiều 13/3/2019, con nhận được điện thoại của bác, bảo về ngay. Tối 14/3, con về đến nhà thì cha mẹ đã được bà con an táng. “Trưa đó, ăn xong, không kịp nghỉ ngơi, cha mẹ con vào mỏ thiếc Suối Bắc để mót quặng. Đến hơn 2 giờ chiều thì tai nạn ập đến, mỏ bị sập khiến hai người và cô Hải hàng xóm bị vùi lấp”, Thành nấc nghẹn.
Tôi ái ngại hỏi Thành về công việc, về dự định và cả việc chăm sóc các em? Thành nói, giờ thì ai thuê gì làm nấy, chỉ loanh quanh trong xã, không dám đi xa vì không có ai chăm sóc cho em. Còn em Công cũng đã nghỉ học, đang đi làm thuê cho một doanh nghiệp, cũng khai thác quặng thiếc. “Bây giờ chỉ lo kiếm đủ cơm cho ba anh em đã, chứ con chưa có dự định gì được cả. Giá như cha mẹ…” – Thành quệt nước mắt...
Ngoài kia, những chiếc xe tải chở quặng vẫn không ngừng cày xới, bụi tung mù trời…