Từ nhà mồ ra cộng đồng
Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, tượng nhà mồ không còn bó hẹp trong không gian nhà mồ nữa, mà bước ra ngoài đời sống cộng đồng. Những năm gần đây, nhiều nhà hàng, quán ăn mang bản sắc văn hóa Tây Nguyên đã sử dụng tượng gỗ để trang trí, thông qua đó giới thiệu và quảng bá tới du khách gần xa về một nét văn hóa đặc biệt của người Tây Nguyên.
Tận dụng những lợi thế, năm 2016 nghệ nhân tạc tượng nức tiếng Ksor Hnao dân tộc Jrai ở làng Kép, phường Đống Đa, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai mở quán ẩm thực Tây Nguyên mang tên mình.
Ông biến quán ẩm thực của mình thành Tây Nguyên thu nhỏ, với đặc trưng văn hóa như cây nêu, nhà sàn và đặc biệt là vườn tượng gỗ. Không chỉ vậy, ông còn có 100 bức tượng được trưng bày tại khu du lịch Đồng Mô (Hà Nội) và khu du lịch sinh thái Bản Đôn (Đắk Lắk).
Nghệ nhân Ksor Hnao chia sẻ, ông mang tượng nhà mồ ra cộng đồng nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu văn hóa Tây Nguyên. Điều rất may, du khách đến đây ai cũng hiếu kỳ và thích thú với những bức tượng gỗ mộc mạc này, nhiều người đặt chúng tôi tạc tượng để đưa về làm kỷ niệm.
Một bức tượng gỗ đẹp là phải có hồn, người nghệ nhân phải biết thổi hồn vào tượng, biến những bức tượng đơn sơ, hoang dã trở nên sống động, thấm đẫm tâm hồn.
Nhiều bức tượng nhà mồ cũng đang được trưng bày tại Khu du lịch sinh thái buôn Ko Tam, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Hay tại Homestay Hnoh Ea Kao tại buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột và nhiều điểm du lịch khác cũng có hàng chục bức tượng gỗ dân gian.
Bà H’Yam Bkrông, chủ nhân của Homestay Hnoh Ea Kao cho biết: ở đây tôi cũng trưng bày nhiều bức tượng gỗ dân gian, rất nhiều du khách đến tham quan tỏ vẻ yêu thích. Bởi tượng gỗ dân gian có những điều đặc biệt mang tính tâm linh càng tìm hiểu càng thú vị.
“Bây giờ lễ bỏ mả người ta cũng không còn làm nhiều, hoặc có làm cũng không làm lớn như ngày xưa và người đẽo tượng cũng ngày càng ít đi. Nếu không quảng bá rộng rãi cho nhiều người biết đến, e rằng nét văn hóa độc đáo này sẽ mất đi”, bà H’Yam Bkrông chia sẻ.
Tích cực bảo tồn nghệ thuật tạc tượng gỗ
Những năm gần đây, các tỉnh Tây Nguyên nỗ lực tìm giải pháp bảo tồn những nét văn hóa độc đáo của đồng bào DTTS, trong đó có nghệ thuật tạc tượng nhà mồ. Đặc biệt, là sự phối hợp giữa các tỉnh, tổ chức liên hoan văn hóa và các cuộc thi tạc tượng gỗ dân gian.
Ông Y Thái Êban, buôn Kmrơng Prông B, xã Ea Tu, là nghệ nhân hiếm hoi của TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk còn giữ ngọn lửa đam mê với nghề tạc tượng. Ông được nhiều người dân, doanh nghiệp du lịch, kinh doanh dịch vụ đặt hàng và luôn được tỉnh chọn làm đại diện đi thi tạc tượng ở các tỉnh khác.
Hàng ngày, ông vẫn rong ruổi đi khắp buôn làng để làm tượng cho khách. Công việc tạc tượng không chỉ giúp ông thỏa niềm đam mê, mà còn mang đến nguồn thu nhập khá. Đặc biệt, ông cố gắng truyền cảm hứng bảo tồn, truyền nghề cho thế hệ trẻ. Đến nay, hai người con trai của ông mới độ tuổi thiếu niên, nhưng đã bộc lộ năng khiếu đục đẽo tạo những tác phẩm tượng gỗ đơn giản. Ngoài ra, ông còn truyền nghề cho 6 người khác trên địa bàn thành phố.
“Tôi vừa hướng dẫn họ tạc tượng, vừa để họ phụ việc cho mình rồi trả tiền công để họ có thu nhập, có động lực. Chỉ cần có đam mê, sự kiên nhẫn, ai đến học tôi cũng dạy. Tôi dự định sẽ tổ chức một lớp truyền nghề cho các bạn trẻ”, nghệ nhân Y Thái Êban nói.
Cũng mong muốn giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc để làm du lịch, nghệ nhân trẻ Y Ser Bkrông (SN 1985) ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đã tạc tượng cho nhiều khu du lịch, khu sinh thái tại TP. Buôn Ma Thuột, huyện Buôn Đôn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk để phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt, nghệ nhân Y Ser Bkrông đang nhiệt tình chỉ dạy cho nhiều bạn trẻ trong gia đình, dòng tộc, buôn làng những kỹ thuật cơ bản tạc tượng.
Nghệ nhân Y Ser Bkrông chia sẻ: Tạc tượng không chỉ giúp Y Ser có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình, mà còn góp phần quan trọng trong việc phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. “Nhiều du khách đến Đắk Lắk rất thích thú tìm hiểu về ý nghĩa của tượng gỗ dân gian. Thậm chí, nhiều người còn đặt nghệ nhân tạc tượng để mang về trang trí, trưng bày trong nhà”.
Bà Hoàng Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công tác Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, người đã dày công nghiên cứu đề tài bảo tồn và phát huy giá trị tượng gỗ dân gian các tộc người Ba Na, Gia Rai trên địa bàn tỉnh Gia Lai bộc bạch: Muốn tượng gỗ tồn tại trong đời sống đương đại, trước tiên ta phải giữ gìn, xây dựng được lực lượng nghệ nhân dân gian nòng cốt. Họ chính là báu vật của dân làng, là người truyền nghề cho lớp lớp thế hệ trẻ.
Đồng thời, các cấp, ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để đưa sản phẩm văn hóa này ra không gian sinh hoạt cộng đồng nhiều hơn. Có như vậy, bản sắc văn hóa dân tộc mới được lưu giữ và phát huy.