Những bức tượng chim muông, thú vật hay cảnh người đánh chiêng, giã gạo, ôm nhau, hút thuốc, đánh đàn… nhìn đơn giản nhưng lại rất có hồn, toát lên cốt cách con người, rừng núi Tây Nguyên.
Người DTTS Tây Nguyên vẫn quan niệm, chết là một sự chia lìa với người sống nhưng không phải là hết. Để tiễn đưa người chết cũng gửi gắm lại những hình ảnh của cuộc sống đời thường thông qua các pho tượng gỗ. Chính vì vậy, trước đây bên nhà mồ của người Ê-đê, nơi anh sinh sống không thể thiếu những bức tượng sinh động này.
Do đó, đối với nghệ nhân Y Ler Arul, ở thị xã Buôn Hồ, Đăk Lăk, “Khi tạc tượng, không phải chỉ dùng trí óc để suy nghĩ hình dáng, mà còn phải dùng trái tim để cảm nhận. Ví dụ, khi nhìn vào bức tượng “mẹ con lên nương”, sẽ nhớ lại hình ảnh các bà, các mẹ, các cô gái trong làng xinh đẹp và chăm chỉ thế nào”.
Tuy nhiên, hiện nay ở các khu nghĩa địa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, những ngôi mộ xây bằng bê tông cốt thép đang thay thế nhà mồ truyền thống nên người biết đẽo tượng nhà mồ đang mai một đi rất nhiều.
Ví như đồng bào Ba-na ở xã Tơ tung, nơi nghệ nhân Đinh Plih sống, trước đây người dân quê anh hầu như ai cũng biết làm tượng nhà mồ, nhưng nay cả xã chỉ còn lại 6 - 7 người là biết làm tượng gỗ. Bản thân Đinh Plih, trước kia ngày nào cũng có người trong tỉnh mời đến làm tượng gỗ cho người thân mất, nhưng nay lác đác, một năm chỉ đôi, ba lần người dân mời anh đi làm tượng gỗ.
Chia sẻ vấn đề này, anh bộc bạch: Hiện nay, thanh niên làng anh rất thờ ơ với văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó có việc tạc tượng gỗ. Anh lý giải, sở dĩ việc này bị mai một là do quan niệm của người dân cũng đã có thay đổi. Việc làm tượng nhà mồ đòi hỏi sự kỳ công, tỷ mỉ, nếu không kiên trì thì không thể làm được. Vì vậy mặc dù đã cố gắng tìm người để truyền nghề nhưng thanh niên làng anh giờ đây không ai muốn theo đuổi việc làm công việc này…
Do đó, những ngôi nhà mồ của đồng bào Tây Nguyên có lẽ sẽ trở nên hiu quạnh hơn vì thiếu tượng nhà mồ.
THIÊN ĐỨC