Hệ thống cửa võng Phủ Tiên Hương được chạm trổ cầu kỳ theo phong cách truyền thống, phản ánh hình tượng các vị Thần, Tiên, Thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Phủ Tiên Hương đã từng được kênh truyền hình nổi tiếng CNN của Mỹ giới thiệu là một địa điểm văn hóa tại Hà Nội. Ngày 19/10/2023, Phủ vừa được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chứng nhận là Di sản văn hóa tâm linh.
Nằm cách trung tâm Hà Nội không xa, Phủ Tiên Hương là nơi thờ các vị thánh trong Tứ Phủ, với Mẫu Liễu Hạnh là chủ đạo. Phủ nổi tiếng với cấu trúc ngôi điện hình chữ Đinh và 2 nhà ngang thờ thần linh, Thành Hoàng cùng tổ tiên các dòng họ. Khu thờ chính của phủ được xây dựng với 2 tầng. Tầng một là nơi trưng bày các đồ đạc tâm linh và phòng tiếp khách, trang trí theo lối cổ điển và hiện đại. Tầng hai là hệ thống điện phủ có 5 gian thờ chính, mỗi ban thờ đều có các cửa võng, hoành phi và câu đối theo lối cổ của Việt Nam.
Theo đồng thầy, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển, ngay từ khi thiết kế ngôi phủ, ông đã tính toán, cân nhắc rất kỹ lưỡng để có được tác phẩm dâng phật thánh vừa chứa đựng trí tuệ, vừa mang giá trị tâm linh và giá trị sử dụng, đồng thời mang tới sự ấm áp, giúp mỗi người khi đến phủ luôn có cảm giác như được trở về ngôi nhà của mình và trải lòng, an tịnh. Đó là lý do bố cục của ban thờ trong phủ được dựng theo đúng lối cổ của các cụ để lại, dựa trên hồn cốt văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, phần cửa võng của phủ được dụng công thực hiện trong rất nhiều năm kể từ khi lên ý tưởng. Đồng thầy, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển cho biết, chỉ tính các vị chư Tiên, chư Thần, chư Thánh chính cũng phải lên tới khoảng 60 vị, nên nếu bày biện đầy đủ tượng các ngài trên không gian ban thờ sẽ dễ gây rối thị giác.
Vì thế, ông đã lên ý tưởng để các nghệ nhân thể hiện hình tượng của khoảng 30 vị thánh, thần ngay trên hệ thống cửa võng, kết hợp với hoa văn uốn lượn của mây trời để diễn tả thần thái của các ngài nơi bồng lai tiên cảnh. Ngước lên ban thờ, người đến phủ không chỉ cảm nhận được hình tượng các chư Tiên, chư Thần, chư Thánh qua các tượng được bày trên ban, mà còn thấy qua hệ thống cửa võng được thiết kế tinh xảo.
Chia sẻ tại buổi lễ công bố, Tiến sĩ Thang Văn Phúc - Chủ tịch Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam cho biết, đây chính là sáng tạo riêng của đồng thầy Nguyễn Đức Hiển khi muốn thể hiện tương đối đầy đủ các chư Tiên, chư Thần, chư Thánh ở phủ thờ mà vẫn giữ được vẻ đẹp thoáng đãng, nhẹ nhàng, từ đó tạo ra giá trị độc đáo mà nhiều phủ khác không có.
“Phủ Tiên Hương không chỉ là công trình văn hóa tâm linh mà còn là nơi đang thực hành, lan tỏa những quy tắc, quy chuẩn trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, đây là giá trị vô cùng quan trọng”, Tiến sĩ Thang Văn Phúc nhấn mạnh.
Không chỉ là thủ nhang Phủ Tiên Hương, đồng thầy, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển còn được biết tới là nhà nghiên cứu, giáo dục văn hóa, người luôn nỗ lực đưa những nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng, văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung ra thế giới. Ông tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành quản lý giáo dục tại Thụy Điển, tiến sĩ chuyên ngành giáo dục tại Pháp và hiện đang là nghiên cứu sinh Phật học tại Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia, Hà Nội. Ông thường xuyên tham gia giảng dạy về văn hóa, kỹ năng sống tại các trường đại học; thực hiện nhiều buổi diễn xướng hầu đồng, diễn thuyết về tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam trong các sự kiện giao lưu văn hóa lớn trong và ngoài nước...