Hội Nghệ nhân dân gian xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên, thành lập từ năm 2014, đến nay có 36 thành viên. Từ khi thành lập đến nay, Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ như: Múa gậy, múa ngựa, múa ngỗng của người Nùng; Cọi Tày của dân tộc Tày; một số các mô hình nghề truyền thống duy trì ở thôn bản như: Đan lát; thực hiện các nghi lễ tâm linh; tuyên truyền Nhân dân bảo tồn bản sắc văn hóa; triển khai tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước...
Các hoạt động của Hội được tổ chức tại thôn, xã và biểu diễn tại các cuộc thi cấp huyện, tỉnh. Từ đó, Nhân dân trong xã dần thấy được ý nghĩa, vai trò của Hội trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa mới nên hết lòng ủng hộ.
Ông Dương Nhật Tân, cán bộ văn hóa kiêm Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên chia sẻ: Qua quá trình hoạt động, Hội Nghệ nhân dân gian đã tạo điều kiện cho các hội viên sân chơi lành mạnh về văn hóa. Các hội viên là những Người có uy tín trong gia đình, dòng họ và cộng đồng thôn bản, vì thế họ luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào hoạt động. Đồng thời, họ cũng tham gia giúp chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống mới, văn minh, tiến bộ.
Tại huyện Yên Minh, Hội nghệ nhân dân gian trên địa bàn các xã, cũng đang tổ chức nhiều hoạt động, đóng góp tích cực trong bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc cho thế hệ trẻ.
Thầy Nguyễn Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh cho biết: Những năm qua, thường xuyên tổ chức lớp, mời các nghệ nhân dân gian đến truyền dạy cho học sinh những nét đẹp, các loại hình nghệ thuật truyền thống như: thổi khèn, hát cọi, múa… Qua đó, giúp các em thêm hiểu, yêu hơn và có trách nhiệm trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Em Vàng Thu Hằng, dân tộc Giáy, học sinh lớp 8B, Trường THCS thị trấn Yên Minh chia sẻ: "Em và các bạn trong trường rất hào hứng với các buổi học ngoại khóa của các bác nghệ nhân. Qua các tiết học, giúp chúng em hiểu hơn và truyền thống, ý nghĩa bản sắc văn hóa của dân tộc, thấy tự hào hơn về văn hóa truyền thống dân tộc mình”.
Từ năm 2016, Hà Giang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian. Tiêu biểu là Đề án số 05-ĐA/TU về nâng cao chất lượng hoạt động mô hình Hội Nghệ nhân dân gian giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, mỗi Hội Nghệ nhân dân gian được hỗ trợ kinh phí hoạt động là 7 triệu đồng/năm, từ nguồn ngân sách của địa phương (của huyện, xã).
Ngoài ra, các hội viên Hội Nghệ nhân dân gian, khi tham gia các lớp truyền dạy nghề còn được hỗ trợ theo nguồn kinh phí đào tạo và dạy nghề của huyện, thành phố hằng năm, hoặc từ nguồn kinh phí học tập của cộng đồng xã, thị trấn. Các Hội Nghệ nhân dân gian cũng được xây dựng quỹ do hội viên thống nhất đóng góp qua tài trợ, qua nguồn thu của hội, của các hội viên…
Nhờ đó đến nay, toàn tỉnh Hà Giang đã có 188 tổ chức hội cấp xã, 1 tổ chức Hội cấp huyện, với 9.088 hội viên (tăng 22 tổ chức hội và 2910 hội viên so với năm 2016).