Xưa, ở miền đất Lộc Bắc có khoảng chục nóc nhà dài tại các buôn B’Đăng, B’Lạch A, B’Lạch B... Nhà dài năm, sáu chục mét, có nóc dài đến cả trăm mét, với trên mười bếp lửa, tương đương cho chừng ấy hộ cùng huyết thống cư ngụ. Dù hoàn cảnh kinh tế, điều kiện sống có khó khăn vất vả, nhưng khi chung một mái nhà, mọi người nhường nhịn, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Không khí trong ngôi nhà dài luôn ấm áp.
Nhiều năm qua, cuộc sống hiện đại len lỏi trong mỗi buôn làng, nóc nhà người Mạ, nên nhà dài cũng mất dần, đồng nghĩa chiêng, ché cổ cũng dần dần rời buôn làng người Mạ, nay chỉ còn lại ngôi nhà dài của bà Ka Dít tồn tại. Trong nhà dài vẫn lưu giữ trên 90 chiếc ché, có những chiếc ché cổ cả trăm tuổi.
Ngắm nhìn chiếc ché cổ tố xà lùng được bà Ka Dít nâng niu, đặt ở nơi trang trọng nhất làm cho tôi sực nhớ chuyện cũ. Cách đây hơn 10 năm, cũng tại ngôi nhà dài này, ông K’Rền (chồng của bà Ka Dít) rành rọt kể cho chúng tôi nghe: “Chiếc ché cổ này có lâu lắm rồi! Năm đó đầu mùa khô nắng ráo, đi lại khá thuận lợi, mình khi đó còn trai trẻ, cùng với người thân trong dòng tộc lùa một đàn trâu 12 con vượt không biết bao nhiêu ngày xuyên rừng, vượt sông, suối xuống tận vùng đồng bào dân tộc Chăm ở tỉnh Ninh Thuận để đổi lấy, rước về và “nuôi” nó trong ngôi nhà dài này cho đến hôm nay”.
Nay, ông K’Rền đã về với đất mẹ lâu rồi, câu chuyện đổi 12 con trâu để lấy một chiếc ché tố xà lùng thực hư như thế nào khó kiểm chứng. Nhưng, chiếc ché cổ tố xà lùng đó và những chiếc ché khác trong nhà dài này có một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống, tinh thần, lẫn tâm linh của đồng bào dân tộc Mạ, nên được mọi người bảo quản, gìn giữ, trân trọng. Vì đó là những tài sản vô giá của người Mạ.
Ngoài ché cổ, trong không gian nhà dài của bà Ka Dít còn “nuôi’ ba bộ chiêng sáu, với 18 chiếc. Cứ mỗi dịp ngày hội của buôn làng, hay lễ tạ Yàng, mừng lúa mới, hoặc đón khách quý, những thanh âm của cồng chiêng trầm hùng, vang vọng cả núi rừng. Vừa tấu xong một bài chiêng đón khách, già làng K’Diệp ở xã Lộc Bắc vui vẻ cho biết: “Trong quan niệm của người Mạ mình, nhà nào nhiều chiêng, ché là biểu hiện của sự sung túc, giàu có. Hơn nữa, trong mỗi chiêng, ché ấy rất linh thiêng, có những vị thần án ngự, sẽ giúp cho chủ nhà và mọi người trong gia đình mạnh khỏe, bình an, đoàn kết, hạnh phúc. Mùa màng tốt tươi, lúa đầy kho, gia súc, gia cầm đầy chuồng. Theo già làng K’Diệp, giờ đây, với xu thế gia đình “gọn nhẹ”, người Mạ làm nhà xây kiên cố nên đã phá hết nhà dài. Cũng may có bà Ka Dít còn giữ được ngôi nhà dài này đến ngày hôm nay. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của người Mạ còn được lưu giữ lại”.
Chị Ka Briết – con gái của bà Ka Dít tiếp lời: “Mình sẽ tiếp nối mẹ mình giữ lại ngôi nhà dài này. Sau này, mình cũng khuyên con cháu phải giữ lại. Mình luôn tự hào về căn nhà dài này vì nó rất gần gũi, thân thương, như máu thịt của người Mạ mình”.
Mỗi khi có lễ hội của người Mạ diễn ra tại ngôi nhà dài này, bà con các dân tộc khác ở trong vùng cùng đến tham dự, chung vui. Căn nhà dài là biểu hiện cho tình đoàn kết, ý chí, sức mạnh của cộng đồng; không chỉ là niềm tự hào của bà con buôn B’Đăng mà của cả đồng bào dân tộc Mạ trên địa bàn xã Lộc Bắc.
Ông K’Núi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bắc cho biết: “Nhà dài là nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Mạ. Tại đây, Người có uy tín cùng các nghệ nhân thường hướng dẫn thế hệ trẻ tìm hiểu về văn hóa dân tộc Mạ thông qua các câu chuyện cổ, những bài ca dao, tục ngữ; thường xuyên cho các em được tiếp cận các vật dụng sinh hoạt, các chiêng, ché cổ lưu giữ tại đây; đồng thời chỉ dạy các em luyện tập đánh cồng chiêng…
Vít cong cần rượu trong tiết Xuân dịu nhẹ, già làng K’Diệp nhắn nhủ: “Nhà dài không chỉ là kiến trúc cổ xưa của người Mạ, mà còn là tinh thần, linh hồn của người Mạ. Chúng tôi quyết tâm giữ lấy cái nhà dài này để “nuôi chiêng, nuôi ché”. Lễ hội Xuân sắp tới, mời mọi người đến với bà con người Mạ để cùng chung vui, uống rượu cần, thưởng thức các hương vị, món ăn của người Mạ. Cùng nhau mở rộng vòng xoang, trong tiếng cồng, tiếng chiêng trầm hùng giữa đại ngàn trùng điệp”.