Vẹn nguyên văn hóa truyền thống
Dẫn chúng tôi dạo một vòng buôn Akô Dhông trên con đường nhựa sạch đẹp, hai bên thấp thoáng những ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê như mũi tàu hướng ra cổng; phía sau những ngôi nhà dài là biệt thự, nhà xây hiện đại nép mình dưới những tán cây, chị H’Tit Alêo, Bí thư Chi đoàn buôn hào hứng, giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào Ê Đê.
Chị H’Tit cho biết: Trong xu hướng hiện đại, đồng bào Ê Đê trong buôn đã nỗ lực thích nghi, bắt nhịp và ngày càng giàu có, nhưng điều đáng quý là, đồng bào vẫn giữ gìn gần như nguyên vẹn văn hóa truyền thống của cha ông.
Từ các nghi lễ, hiện vật văn hóa, nghề dệt thổ cẩm truyền thống và đặc biệt nhà dài truyền thống theo kiến trúc cổ xưa của người Ê Đê.
Trong ngôi nhà sàn dài khang trang mới được tu sửa, già Ama Pi chia sẻ: Nhà dài là biểu tượng văn hóa của người Ê Đê. Cuộc sống hiện đại dần, nhiều gia đình trong buôn làm nhà xây để tách hộ cho con cháu ở, đã từng có thời kỳ người dân đòi phá nhà dài làm nhà xây.
Nhờ sự quyết liệt giữ nhà dài của già Ama H’rin, cùng với những người có uy tín trong buôn, nay mới có một Akô Dhông “buôn giàu đẹp, bản sắc” như bây giờ.
Vai trò của vị già làng
Bằng những việc làm cụ thể, thuyết phục…, già Ama H’rin đã xây dựng Akô Dhông thành một gia đình lớn. Ở đấy, mọi người đều thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, đều chung sức xây dựng và bảo vệ buôn.
Nhấp ly cà phê thơm, ngược ký ức 10 năm về trước, ông Y Pun Niê Ping, Trưởng buôn Akô Dhông chia sẻ: Hồi đó, nhiều người dân đòi phá nhà dài để xây nhà kiểu hiện đại, già Ama H’rin không đồng ý và đã tổ chức phải họp dân. Già giải thích tận tình cho dân hiểu, nhà dài là linh hồn của người Ê Đê phải giữ lại. Mất nhà dài đồng nghĩa với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng mất. Sẽ không còn tiếng cồng chiêng ngân vang, những đêm khan huyền thoại, không còn ghế Kpan, mất luôn cả Yàng.
Khi gia đình nào vì sinh kế phải bán đất, hoặc làm thêm nhà xây cho con cái trưởng thành, phải phá vỡ cảnh quan buôn cổ, già Ama H’rin cũng góp ý phải làm hoặc bán khu đất phía sau nhà dài nếu không nghe sẽ bị phạt theo luật tục. Để mọi người cùng bảo tồn văn hóa, già Ama H’rin cùng với Người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong buôn đưa vào hương ước, quy định chung để không ai vi phạm.
Ngườitrong buôn bây giờ đã nhận thức được điều này, nên nếu tự làm lại nhà, cũng chọn kiến trúc cổ truyền, với đầy đủ tiện nghi phục vụ cuộc sống hiện tại.
Tháng 12/2012, già làng Ama H’rin về với Yàng ở tuổi 81. Song những giá trị mà già Ama H’rin xây dựng và luôn giữ gìn đã giúp bà con có cuộc sống khá giả, buôn Akô Dhông trở thành điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Đắk Lắk.
Toàn buôn Akô Dhông có 67 hộ đồng bào Ê Đê. Hiện tại, đồng bào trong buôn vẫn còn giữ được ơn 30 ngôi nhà dài truyền thống, nhiều người dân buôn Akô Dhông vẫn duy trì việc làm rượu cần, dệt thổ cẩm. Việc gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc đã ăn sâu vào tâm thức của người dân nơi đây, không chỉ người già mà thế hệ trẻ cũng ý thức được sự quan trọng của văn hóa truyền thống, nhất là ngôi nhà sàn dài.