Tử vong sớm vì ngại đi điều trị
Gia đình ông Nguyễn Văn H. ở huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai) nhiều ngày nay trĩu nặng nỗi buồn vì đã có người thân tử vong vì nhiễm HIV. Cũng bởi sợ bạn bè, hàng xóm biết mà chê bai nên gia đình ông H. không đưa người nhà đi điều trị khi phát hiện ra bệnh, dẫn đến người bệnh ngày càng suy sụp và tử vong nhanh.
Theo ngành Y tế tỉnh Gia Lai, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.179 trường hợp nhiễm HIV. Trong đó, 414 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS. Trong năm 2020, ghi nhận 10 trường hợp tử vong, nâng tổng số tử vong do AIDS lên 277 trường hợp.
Số bệnh nhân cao vậy nhưng Gia Lai mới có 1 cơ sở điều trị ARV tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai và 1 điểm cấp thuốc ARV cho phạm nhân tại Trại giam Gia Trung. Bên cạnh đó, lượng lớn người nhiễm HIV là lao động, người làm nghề tự do nên ngại tiếp cận các dịch vụ điều trị của ngành y tế. Đến khi bệnh nặng mới tìm giải pháp thì bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn, rất khó điều trị.
Thống kê của Khoa phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đăk Lăk) cũng cho thấy, tính đến tháng 9/2020, trên địa bàn toàn tỉnh có 2.477 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 1.431 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 479 người tử vong do AIDS. Có 109 bệnh nhân mới nhiễm HIV và 167 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS. Nguồn lây trong giới đồng tính diễn biến khó lường, sợ bị kỳ thị nên nhiều người không đi điều trị.
Cần phối hợp nhiều phương pháp
Theo ngành Y tế các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk thì, để giảm mạnh tình trạng nhiễm HIV trong cộng đồng, cần phối hợp nhiều phương pháp trong điều trị như vừa can thiệp y khoa, vừa tư vấn tâm lý giúp người bệnh tự tin hơn trong cuộc sống, không chán nản mà tích cực điều trị.
Bác sĩ Huỳnh Thị Hồng Sinh, Khoa phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đăk Lăk) chia sẻ: Có rất nhiều trường hợp người nhiễm HIV là nạn nhân hoặc do công việc mà họ bị nhiễm bệnh. Có trường hợp người vợ bị nhiễm từ chồng rồi vô tình truyền sang cho con hay những chiến sĩ công an, những cán bộ y tế bị phơi nhiễm nghề nghiệp... Do vậy, rất cần sự thấu hiểu, chia sẻ, giúp đỡ của người thân, cộng đồng để giúp họ xóa bỏ mặc cảm, kiên trì điều trị bệnh. Mặt khác, nhận thức được thông tin đầy đủ về căn bệnh này, họ sẽ là tuyên truyền viên đắc lực về phòng chống HIV/AIDS cho cộng đồng, qua đó cũng giúp họ sống có ý nghĩa, tự tin và vui vẻ hơn.
Cũng theo bác sĩ Sinh, cải thiện sức khỏe là niềm vui chung của tất cả bệnh nhân có HIV. Họ được hòa nhập cộng đồng, sinh sống và làm việc như tất cả mọi người. Niềm vui còn được nhân lên gấp bội khi rất nhiều bệnh nhân mang trong mình HIV đã sinh ra những đứa con khỏe mạnh, âm tính hoàn toàn với HIV.
Theo số liệu của Khoa phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đăk Lăk), năm 2020, có 11 sản phụ mắc HIV được điều trị ARV sinh con, và nhờ được uống thuốc đầy đủ nên các em bé sinh ra đều không bị lây nhiễm HIV; 11 trẻ được sinh từ mẹ nhiễm HIV và đã được dự phòng ARV ngay từ khi mới sinh...
Tại tỉnh Gia Lai, để giảm thiểu sự lây nhiễm căn bệnh HIV, từ năm 2020, ngành Y tế tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh chiến dịch dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; Tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông, xóa bỏ kỳ thị. Đặc biệt, chú trọng đến việc tuyên truyền trực tiếp đến người nhiễm hoặc nhóm người nhiễm HIV/AIDS. Bên cạnh đó, thường xuyên thăm các gia đình có người nhiễm HIV để tư vấn họ cách bảo vệ mình và người thân.
Các đối tượng có nguy cơ cao ngày càng thấu hiểu lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV, nhất là xét nghiệm HIV tại cộng đồng; lợi ích của điều trị bằng thuốc ARV; lợi ích tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế. Cùng với đó, ngăn chặn mạnh việc lây HIV từ mẹ sang con.