Tình người không biên giới
Chúng tôi đã đôi ba lần bước qua dòng Sê Pôn ở của khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) để đến với những người Lào ở huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào). Nhưng phải đến khi quay trở về đất Việt, thì mới có cảm giác tần ngần nhìn dòng sông trôi. Trong cái tần ngần ấy, có câu chuyện đã từng được nghe từ chính lãnh đạo thị trấn Lao Bảo.
Hiện hữu trong câu chuyện là một nhân vật khá đặc biệt. Ông là người đã rất có công trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào Bru - Vân Kiều, Pa Cô ở bản Ka Tăng thuộc thị trấn Lao Bảo, kết nghĩa với bản Đensavan, huyện Sê Pôn tỉnh Savannakhet (Lào).
“Những năm 2000, thực hiện chủ trương của cấp trên, ta cùng nhiều người là cán bộ huyện, xã và bản vượt sông Sê Pôn sang Lào đấy. Bên đó, có người bà con của mình nữa. Gặp, nói chuyện kết nghĩa bản với bản, ai cũng vui vẻ lắm, háo hức lắm vì sẽ là người một nhà mà”, già Nguyễn Thanh Bình, 80 tuổi, ở bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo kể.
Sau mô hình ấy; ở thị trấn Lao Bảo, còn có 2 cặp bản Ka Túp (Việt Nam) – Ka Túp (Lào), khóm Duy Tân (Việt Nam) – bản Phường (Lào) kết nghĩa với nhau theo hình thức này. Ở khóm Duy Tân, có Trưởng bản Trần Văn Đức và bản Ka Túp có Trưởng bản Hồ Văn Hoàn cũng là những người tiên phong, kiên trì vận động bà con hai bên dòng Sê Pôn, hai bên bờ biên giới kí kết nghĩa.
Ông Lê Bá Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo,huyện Hướng Hóa nói rằng, vai trò của những trưởng bản, già làng, ban công tác mặt trận bản, rất quan trọng trong việc làm cầu nối, truyền đạt thông tin, ý nghĩa, mục đích của việc kết nghĩa bản – bản đến đồng bào. Vai trò ấy là không thể phủ nhận và các mô hình kết nghĩa bản – bản đã duy trì hiệu quả, là bắt nguồn từ chính những con người khơi nguồn, xây nền móng ấy.
Ở xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An), cũng đã có 1 mô hình bản – bản kết nghĩa. Ấy là bản Huồi Mới (Việt Nam) và bản Lện Nín, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (Lào) kết nghĩa năm 2013. Hai bản chủ yếu là người Mông sinh sống, chỉ cách nhau một con khe nhỏ, mang tên Lện Nín và địa giới hành chính chỉ khoảng 1km. Cách nay gần 10 năm, ông Xồng Bá Xúa, là Trưởng bản đã cùng các ban ngành, đoàn thể vượt núi, cắt rừng đến với những người Lào anh em.
Ông Xồng Bá Xúa tâm sự: cùng là người Mông nên phong tục, tập quá giống nhau mà. Kết nghĩa rồi, rất thuận lợi, là người một nhà nên rất tiện giúp nhau đó. Bà con ai cũng ưng cái bụng lắm. Ở đây, mọi người qua lại, thăm nhau thường xuyên đấy.
Kể về những mô hình bản-bản kết nghĩa, ông Bùi Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết: Việc tuyên truyền, vận động Nhân dân vùng biên giới tăng cường giao lưu, kết nghĩa thắt chặt tình đoàn kết giữa đồng bào các DTTS nơi biên giới, với Nhân dân nước bạn Lào rất được coi trọng. Đó là nhiệm vụ chính trị, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Không chỉ lãnh đạo các cấp ngành mà bà con vùng giáp biên cũng rất có ý thức tăng cường tình hữu nghị, giao lưu, thăm thân với nước bạn.
Sắt son một dải biên cương
Kể từ khi ký kết nghĩa bản – bản, đã xuất hiện những mối lương duyên, những nghĩa cử giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng bản làng no ấm… của hai dân tộc, hai đất nước. Hàng năm, hai bên không chỉ tổ chức gặp gỡ, mà còn vừa để giao lưu, vừa đánh giá lại những kết quả phối hợp, dựa trên các điều ghi nhớ đã được thông qua để cùng rút kinh nghiệm, triển khai tốt hơn trong những năm sau.
Theo thông tin từ Cục Chính trị Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên triển khai xây dựng mô hình “Kết nghĩa bản - bản”. Đến nay, cả nước có 21/25 tỉnh biên giới đất liền tổ chức ký kết nghĩa cụm dân cư biên giới được 207 cặp (tuyến Việt Nam - Trung Quốc 59 cặp, Việt Nam - Lào 103 cặp, Việt Nam - Camphuchia 45 cặp).
Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội, nguyên Tư lệnh BÐBP khẳng định: Những cặp bản kết nghĩa đã nhân lên tình cảm cao đẹp của hai dân tộc, hai đất nước. Từ những mô hình kết nghĩa, các nước đã tương trợ, giúp đỡ nhau rất nhiều trong phát triển kinh tế, xã hội, tuần tra đảm bảo an ninh biên giới, phòng chống tội phạm…
Xin được kể những câu chuyện điển hình trong số đó. Từ khi 2 bản Nậm Táy (huyện Sầm Tớ, Hủa Phăn, Lào) - Mường Phú (xã Thông Thụ huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) kết nghĩa, người dân bản Mường Phú và Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã đầu tư xây tặng bà con bản Nậm Táy, gồm 1 nhà văn hóa cộng đồng, 1 trường học, 3 nhà đại đoàn kết cho 3 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hơn 200 ngày công lao động của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thông Thụ.
Còn người dân thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cao) cũng đã phối hợp tốt với người dân bản kết nghĩa phía bên kia Trung Quốc là tổ Tam Bình Bá, thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, của tỉnh Vân Nam trong phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh làng bản, xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị.
Theo Trung tá Dương Trọng Nghĩa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Lầu, từ sau khi hai bên kết nghĩa, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Lầu đã đấu tranh, xử lý hiệu quả nhiều vụ việc liên quan đến hoạt động mua bán trái phép chất ma túy, và tội phạm mua bán người qua biên giới, từ sự đóng góp tích cực của quần chúng Nhân dân hai bên biên giới.
Ông Lò Văn Pít, người cao tuổi bản Na Luông (huyện Mường Mày, tỉnh Phông Xa Lỳ, Lào), kết nghĩa với bản Pa Thơm, xã Pa Thơm, huyện Ðiện Biên (tỉnh Ðiện Biên) chia sẻ: "BĐBP và bà con bản kết nghĩa phía Việt Nam giúp đỡ chúng tôi nhiều lắm. Vừa khám bệnh, cấp thuốc; vừa hỗ trợ cây giống, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc. Không có cảm giác núi sông cách trở, bà con người Lào rất yên tâm, tin tưởng BÐBP Việt Nam lắm.