Đồn Biên phòng Mường Ải có nhiệm vụ quản lý bảo vệ 52 km đường biên giới Việt Nam - Lào. Địa bàn quản lý gồm 2 xã Mường Ải và Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có 1044 hộ/5737 nhân khẩu với 4 dân tộc cùng sinh sống: Mông, Thái, Khơ Mú, Kinh. Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới điều kiện địa hình khí hậu thời tiết khắc nghiệt. Nghề nghiệp chủ yếu của người dân là làm nương rẫy, sống dựa vào tự nhiên, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều, ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế.
Bên cạnh đó, đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú sinh sống trên địa bàn vẫn còn tập quán dùng súng để săn bắn thú rừng, bảo vệ mùa màng. Nhưng cùng với đó, nhiều hệ lụy đã phát sinh trong quá trình tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trong nhân dân. Thực tế cho thấy, địa bàn khu vực biên giới 2 xã Mường Ải và Mường Típ khá phức tạp về nạn sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ. Có nhiều vụ sử dụng súng tự chế đi săn thú rừng, đã bắn nhầm người gây hậu quả nghiêm trọng hoặc một số người dân sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để giải quyết mâu thuẫn cá nhân dẫn đến thương vong...
Trước tình hình đó, Đồn Biên phòng Mường Ải đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để bà con hiểu tác hại của việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép, từ đó người dân tự nguyện giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ đang còn sót lại trên địa bàn. Đơn vị đã chủ động cử cán bộ, chiến sĩ bám dân, bám địa bàn, điều tra phát hiện thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đa phần vũ khí có trong dân đều là súng tự chế. Những khẩu súng này, người dân đều giấu ở chòi rẫy rất xa, rất ít khi mang về nhà cất giữ nên khó bị phát hiện. Nhằm làm trong sạch địa bàn, hạn chế tối đa các đối tượng tội phạm sử dụng “hàng nóng” gây án, với chủ trương “Đến tận nhà, ra tận rẫy, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con” và qua công tác vận động quần chúng, khảo sát địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Ải đã xác định được những hộ dân có sử dụng, tàng trữ vũ khí trái phép và làm công tác vận động để bà con tự giác giao nộp.
Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Mường Ải đã phối hợp cùng các đoàn thể, ban, ngành và chính quyền địa phương lồng ghép việc tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt như: Họp bản, văn nghệ, thể thao... tranh thủ các già làng, Người có uy tín tuyên truyền, vận động để giải thích cho bà con hiểu sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép là vi phạm pháp luật.
Theo chân tổ công tác Đồn Biên phòng Mường Ải cùng ông Hoa Phò Ngành, Người có uy tín xã Mường Ải vào tận rẫy sản xuất của người dân thăm hỏi kết hợp tuyên truyền vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Tổ công tác tiến hành các nội dung tuyên truyền, trong đó nêu lên những tác hại của việc tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ; các quy định của luật pháp về tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, đồng thời vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ hiện có. Ông Hoa Phò Ngành nói: “Được bộ đội biên phòng cùng cán bộ chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích việc săn bắn động vật hoang dã là vi phạm pháp luật, bây giờ người dân bản ta đã hiểu nên cũng không cần cất giữ vũ khí nữa, dân bản ta tự giác giao nộp cho cán bộ thôi”.
Đồng chí Hoa Văn Môn, Bí thư Đảng ủy xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, chia sẻ: Việc người dân còn tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ một phần xuất phát từ phong tục tập quán của đồng bào. Tuy nhiên, qua tuyên truyền, vận động, cơ bản người dân đã hiểu rõ được tác hại của việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Việc Đồn Biên phòng Mường Ải phối hợp địa phương tiến hành tuyên truyền, vận động có tác dụng nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào, góp phần giữ gìn sự bình yên của các bản làng biên giới.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Đồn Biên phòng Mường Ải đã phối hợp cùng địa phương và các lực lượng tiến hành được 12 đợt tuyên truyền, vận động qua các buổi họp dân; Tổ chức 21 đợt/46 lượt cán bộ chiến sĩ đến tận các chòi, rẫy trang trại biệt lập để tuyên truyền vận động; Tiến hành tuyên truyền lưu động qua hệ thống loa di động được 5 đợt/31 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia. Nhờ kết hợp chặt chẽ các biện pháp, tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, Người có uy tín nên đồng bào đã tự giác giao nộp cho đơn vị được tổng cộng 40 khẩu súng tự chế. Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp cùng địa phương tổ chức cho 450 hộ dân ký cam kết: “Sẽ không tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đặc biệt là sử dụng súng tự chế để săn bắn động vật. Nếu cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ, gia đình chúng tôi xin chịu mọi hình thức xử lý trước pháp luật”.
Trung tá Hồ Đăng Huy, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Ải khẳng định: “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng liên quan thực hiện quyết liệt hơn nữa nhằm thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ người dân còn cất dấu, tàng trữ. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của đơn vị và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài nhằm hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới chấm dứt tác hại do việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra”.
Những nỗ lực trên của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Ải đã góp phần ngăn chặn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, an toàn khu vực biên giới, gìn giữ sự bình yên các bản làng biên giới.