Để xây dựng nhà máy thủy điện Hồi Xuân, trên 50 hộ dân bản Sa Lắng, đã chấp nhận di dời nhà cửa về khu tái định cư (TĐC). Đổi lại, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Hồi Xuân sẽ hoàn thiện mặt bằng, xây dựng nhà văn hóa, đổ đường bê tông từ bến đò lên bản, kè mái taluy của khu TĐC, sân bóng chuyền, kênh thoát nước...
Tuy nhiên, đã 12 năm qua, lời cam kết vẫn chưa được thực hiện. Người dân bản Sa Lắng, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa bức xúc cho biết, trước khi di dời lên khu TĐC, người dân được chủ đầu tư cam kết, sẽ kè taluy dương chống sạt lở từ vách núi, taluy âm để không sạt xuống sông Mã, kèm theo đó là làm nhà văn hóa bản, đường bê tông từ bến đò lên bản, đường đi nghĩa địa, sân bóng chuyền, hệ thống kênh thoát nước... Nhưng rồi sau đó, thủy điện không thi công nữa, những công trình họ đã hứa cũng chỉ là lời hẹn theo năm tháng.
Theo các hộ dân, khó khăn nhất hiện nay, vẫn là bản chưa có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng. Mỗi khi bản có việc, bà con đều phải mượn nhà dân để họp nên rất bất tiện. Để có sân bóng tập luyện thể thao, người dân trong bản phải tự góp tiền làm. Người dân ở trong khu TĐC vô cùng bức xúc về việc chủ đầu tư nợ công trình dân sinh. Người dân đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng, nhưng mọi việc vẫn chưa được giải quyết…
Ông Phạm Bá Lai (70 tuổi), trú tại xã Phú Xuân cho biết, khoảng 4 năm trở lại đây dự án này không triển khai, ảnh hưởng lớn đến đời sống, công việc của người dân. Nhiều diện tích đất thuộc vùng dự án người dân không thể canh tác, dẫn đến thiếu đất trồng trọt. Trong khi đó, nhiều hộ dân vẫn chưa được nhận tiền đền bù cũng như các chính sách hỗ trợ do bị ảnh hưởng từ dự án.
Trao đối với phóng viên, ông Trần Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cũng nhìn nhận rằng, dự án thủy điện Hồi Xuân chậm tiến độ, thi công dở dang đã ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân nằm trong vùng dự án. Trong đó, có hơn 655 ha đất trong vùng lòng hồ dự án thuỷ điện bị ảnh hưởng, và hàng nghìn hộ dân bị tác động. Đến nay, nhiều hộ dân vẫn chưa được nhận tiền đền bù hoặc chưa có khu TĐC khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
"Việc Dự án thủy điện Hồi Xuân thi công chậm, dừng thi công, huyện đã nhiều lần báo cáo lên tỉnh, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng nhiều lần về kiểm tra và có đề xuất đến các Bộ, ngành sớm tìm hướng giải quyết, để chủ đầu tư khẩn trương triển khai hoàn thiện dự án, ổn định đời sống cho bà con bị ảnh hưởng từ dự án", ông Hùng cho biết thêm.
Được biết, dự án thủy điện Hồi Xuân có tổng mức đầu tư hơn 3.320 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư cũ là Tổng công ty cổ phần xây dựng điện Việt Nam, không thu xếp được nguồn tài chính. Năm 2014, dự án được chuyển giao cho Công ty dịch vụ thương mại sản xuất và xây dựng Đông Mê Kông.
Để dự án đi vào vận hành, chủ đầu tư cần hoàn thành các phần việc như: Bồi thường giải phóng mặt bằng, thi công một số hạng mục và công trình dân sinh, đấu nối vào lưới điện quốc gia... Tuy nhiên, vì tiếp tục thiếu vốn, dự án lại dừng thi công từ 2019 đến nay.
Báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa từng nêu rõ: "Dự án chậm tiến độ, thi công dở dang đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân vùng dự án; tạo điểm nóng, gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài và thiệt hại kinh tế, lãng phí tài nguyên...".
Vùng lòng hồ dự án thủy điện Hồi Xuân có hơn 655 ha đất bị ảnh hưởng, thuộc 2 huyện Mai Châu (Hòa Bình) và huyện Quan Hóa (Thanh Hoá). Gần 1.900 hộ dân ở hai địa phương này bị tác động, trong đó khoảng 500 hộ phải TĐC đến nơi ở mới.
Đến nay, hàng trăm hộ dân vẫn chưa nhận được tiền đền bù hoặc chưa có khu TĐC khiến cuộc sống bấp bênh, tạm bợ. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ ổn định sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị tác động bởi dự án chưa được thực hiện triệt để.