Bà Chu Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Hà Giang: Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Hà Giang chính thức hoạt động từ ngày 1/3/2025. Nhiệm vụ trọng tâm trong những ngày làm việc đầu tiên của Sở là xây dựng chương trình công tác năm 2025; kiện toàn các phòng ban, sắp xếp đội ngũ cán bộ; tập trung tham mưu UBND tỉnh thực hiện các chính sách tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn.
Trên địa bàn tỉnh có 19 dân tộc cùng chung sống, với nhiều tín ngưỡng dân gian và 3 tôn giáo đã được Nhà nước cho phép hoạt động gồm: Phật giáo, Tin Lành và Công giáo với hơn 33 ngàn tín đồ. Đồng thời, tỉnh Hà Giang hiện có 124 cơ sở tín ngưỡng (đình, đền, miếu,...), trong đó: 17 cơ sở đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia; 35 cơ sở đã được ngành Văn hóa đưa vào danh mục kiểm kê di tích.
Những năm qua, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra ổn định, tuân thủ đúng pháp luật và quy định của các tổ chức tôn giáo. Quan hệ giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo ngày càng gắn bó, tạo được sự đồng thuận, tin tưởng trong chức sắc, chức việc vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các tổ chức tôn giáo tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động xã hội, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa… Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong đấu tranh, ngăn chặn việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh trật tự và khối đại đoàn kết toàn dân.
Ông A Vô Tô Phương, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Quảng Nam: Kể từ khi Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh đi vào hoạt động đến nay, các phòng, ban của Sở đều đang tiếp tục phát huy chức năng, nhiệm vụ của mình. Việc tiếp nhận thêm chức năng quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cũng được các phòng, ban chuyên môn tăng cường thực hiện.
Nếu trước đây Ban Dân tộc chuyên về các chính sách dân tộc, thì nay thêm tôn giáo thì sẽ cập nhật và quản lý cho tốt hơn. Trong thời gian gần đây, lãnh đạo và cán bộ của Sở cũng thường xuyên đến với các cơ sở tôn giáo trên địa bàn để nắm bắt, cập nhật thêm tình hình hoạt động.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Sở phấn đấu hai mục tiêu trọng tâm, gồm: Quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện các chương trình giai đoạn 2021 – 2025. Việc đánh giá, tổng kết việc thực hiện các chương trình giai đoạn 2021 - 2025 sẽ hoạch định được những cái được, cũng như một số vướng mắc, tạo tiền đề cho giai đoạn 2025 - 2030 thực hiện hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Bá Thạch, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Gia Lai: Gia Lai là một tỉnh có nhiều dân tộc cùng cư trú, sinh sống. Mỗi dân tộc đều có những nét riêng trong truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán… Những nét riêng này cũng thể hiện trong sinh hoạt tín ngưỡng và tôn giáo. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 tôn giáo đang hoạt động là: Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài và Baha’i. Tổng số tín đồ trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 427.194 người, chiếm khoảng 26% dân số toàn tỉnh.
Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Dân tộc và Tôn giáo đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh; quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo sinh hoạt bình thường trong khuôn khổ pháp luật, qua đó đáp ứng nhu cầu tôn giáo của người dân có đạo.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, nguồn lực của các tôn giáo cũng được phát huy trong phát triển kinh tế - xã hội. Điều này được thể hiện trong việc đồng bào có đạo tích cực tham gia vào các lĩnh vực y tế, giáo dục và từ thiện nhân đạo. Từ việc quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Gia Lai, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo yên tâm phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; hướng dẫn tín đồ hoạt động tôn giáo theo đúng quy định pháp luật.
Ông Lương Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Nghệ An: Dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Nghệ An có khoảng 1,2 triệu người, chiếm 36% dân số toàn tỉnh; trong đó đồng bào DTTS có khoảng 500.000 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, gồm 47 DTTS cùng sinh sống đan xen; tập trung chủ yếu ở 12 huyện, thị xã.
Muốn tạo được đột phá trong thực hiện chính sách thì cần phải xây dựng cơ sở pháp lý mang tính đặc thù vùng miền, đặc thù dân tộc. Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, chúng tôi nhận thấy, để tạo được sự đột phá trong việc nâng cao chất lượng chính sách thì cần tạo thế chủ động về nguồn lực cho địa phương; không bố trí nguồn vốn theo danh mục mà cần bố trí theo tổng để mỗi địa phương tự cân đối theo tình hình thực tế; tăng định mức hỗ trợ chính sách để cơ sở triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, khi ban hành các văn bản chỉ đạo, các hướng dẫn thực hiện thì phải sát đúng cơ sở, sát đúng thực tiễn, trọng tâm và trọng điểm. Khi đã có chủ trương như vậy, quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện cần phải kịp thời, khẩn trương để hiệu quả chính sách được nhân thêm. Mặt khác, những cán bộ thực hiện chính sách phải gần dân, bám cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đối tượng thực hiện, sớm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.