Nguy cơ gia tăng lực lượng lao động chưa qua đào tạo
Là “vùng trũng” trong lĩnh vực giáo dục nên một thực trạng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi là chất lượng nguồn nhân lực rất thấp. Từ năm 2019, kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội (KT – XH) 53 DTTS đã chỉ ra, trong số gần 8 triệu lao động người DTTS có việc làm (chiếm 82,1% tổng số người DTTS từ 15 tuổi trở lên) thì mới có 10,3% lao động có chuyên môn kỹ thuật, còn lại 89,7% chưa qua đào tạo.
Để phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2011 – 2019, ngân sách nhà nước đã bố trí khoảng 462.791 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cho hai loại hình nhà trường, gồm: hệ thống trường chuyên biệt (đưa học sinh đến trường) và hệ thống trường phổ thông (đưa trường đến với học sinh). Cùng với đó là hệ thống chính sách hỗ trợ học tập được triển khai thực hiện cho học sinh (HS) và giáo viên tại hai loại hình trường này.
Nhờ đó, số lượng trẻ em, HS, sinh viên (SV) người DTTS tại các cơ sở giáo dục tăng đều theo các năm học. Số liệu tại được Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đưa ra tại Hội thảo “Tham vấn tình hình thực hiện chính sách GD&ĐT vùng đồng bào DTTS và miền núi” diễn ra ngày 15/9/2023 cho thấy, so với năm học 2019 – 2020, năm học 2021 - 2022 số lượng HS người DTTS cấp tiểu học có 1.628.141 HS (tăng 85.386 HS), cấp THCS có 999.780 HS (tăng 83.577 HS), cấp THPT có 348.776 HS (tăng 24.466 HS).
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận HS người DTTS bỏ học giữa chừng, dù có chính sách hỗ trợ học tập của Nhà nước. Thống kê của Ủy ban Dân tộc (UBDT) trong Dự thảo Đề án “Hỗ trợ giáo dục học tập theo vòng đời cho trẻ em, học sinh, sinh viên DTTS tại vùng DTTS và miền núi” (gọi tắt là Dự thảo Đề án) cho thấy, giai đoạn 2010 – 2021, toàn vùng có 162.082 HS, SV bỏ học. Trong đó, HS bỏ học nhiều nhất ở cấp Giáo dục phổ thông (THPT có 69.345 em, THCS có 68.633 em, Tiểu học có 17.620 em); còn sơ cấp có 820 em, trung cấp có 2.168 em, cao đẳng có 1.983 em, đại học có 1.513 em.
Thực trạng HS cấp THCS và THPT người DTTS bỏ học giữa chừng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số HS, SV không tiếp tục hành trình học vấn làm gia tăng lực lượng lao động thiếu trình độ chuyên môn kỹ thuật cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Không những vậy, số lượng HS bậc phổ thông bỏ học giữa chừng lớn còn dẫn tới lãng phí nguồn lực của Nhà nước đã bố trí để thực hiện các chính sách hỗ trợ học tập cho các em trong suốt thời gian theo học cho đến thời điểm bỏ học.
Khoảng cách mong manh
Một trong những nguyên nhân khiến HS, SV người DTTS bỏ học được xác định là do chính sách hỗ trợ học tập bị “ngắt quãng”. Như bài viết trước đã phản ánh, chính sách hỗ trợ học tập được thực thi ở địa bàn đặc biệt khó khăn; khi nơi cư trú đã thoát nghèo thì HS, SV người DTTS không còn được thụ hưởng chính sách nữa, trong khi điều kiện kinh tế gia đình của nhiều HS, SV chưa có nhiều thay đổi.
Quá trình rà soát, điều tra của UBDT cũng cho thấy rằng, quy định phải thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì mới được thụ hưởng một số chính sách hỗ trợ học tập cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng HS, SV người DTTS bỏ học giữa chừng. Hiện nay, giảm nghèo là chỉ tiêu “cứng” trong kế hoạch phát triển KT – XH của các địa phương; tỷ lệ hộ nghèo giảm đồng nghĩa với việc rất nhiều gia đình người DTTS thoát nghèo, nhưng thực tế họ đã bớt khó khăn hay chưa?
Trong Dự thảo Đề án, UBDT nhận định, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhiều hộ thoát nghèo nhưng chưa bền vững, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Dù được công nhận thoát nghèo nhưng không đồng nghĩa với việc kinh tế gia đình đã tốt lên, đủ điều kiện kinh tế để bảo đảm việc học cho con em. Điều này được minh chứng ở khoảng cách mong manh về thu nhập để phân định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình.
Theo đó, từ năm 2011 đến nay, tiêu chí xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo đã 3 lần được thay đổi (2011 – 2015 chuẩn nghèo đơn chiều; 2016 – 2020 chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; 2021 – 2025 chuẩn nghèo đa chiều). Trong đó thu nhập vẫn là tiêu chí chính, nhưng đây lại là yếu tố khó xác định chính xác nhất đối với các hộ gia đình ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, do thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp.
Hơn nữa, trong giai đoạn 2011 – 2020, việc phân định giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo chỉ “vênh” nhau 1 nghìn đồng. Trong đó, giai đoạn 2011 – 2015, hộ nghèo là hộ có thu nhập từ 400 nghìn đồng trở xuống, hộ cận nghèo là từ 401 nghìn đồng trở lên; giai đoạn 2016 – 2020, hộ nghèo là từ 700 nghìn đồng trở xuống, hộ cận nghèo là từ 701 nghìn đồng trở lên…. Thậm chí, hộ có thu nhập trung bình cũng chỉ cách hộ cận nghèo 1 nghìn đồng.
Trong Dự thảo Đề án, UBDT đánh giá, khi gia đình ra khỏi hộ nghèo trẻ em, HS, SV không còn được hỗ trợ học tập. Gia đình gặp khó khăn về kinh tế, cần nhân lực lao động nên hiện tượng nghỉ học, bỏ học lại diễn ra, đặc biệt là cấp THCS và THPT, các em đi học xa nhà. Một bộ phận phụ huynh nhận thức còn hạn chế, chưa chú trọng đến việc học tập của các con. Hơn nữa trong 02 năm gần đây kinh tế vùng đồng bào DTTS càng thêm khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid - 19 đã tác động đến tâm lý của một số gia đình khi đầu tư cho việc học cho con em mình.
Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự quan tâm của xã hội, cùng với địa bàn đặc biệt khó khăn thì tỷ lệ nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm dân theo thời gian là điều tất yếu. Nếu vẫn áp dụng tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách hỗ trợ học tập thì tình trạng trẻ em, HS, SV người DTTS ở vùng sâu, vùng xa bỏ học sẽ tái diễn.
Vì vậy, trong Dự thảo Đề án, UBDT đề xuất chính sách hỗ trợ giáo dục tổng thể theo vòng đời học tập của trẻ em, HS, SV ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chính sách hỗ trợ tổng thể áp dụng chung cho các địa bàn, các thành phần dân tộc, không phân biệt hộ nghèo hay cận nghèo; nhưng có ưu tiên cho các dân tộc có khó khăn đặc thù và các dân tộc còn nhiều khó khăn từ việc quy định định mức hỗ trợ cụ thể đối với từng cấp học.
Theo đánh giá của UBDT, một chính sách hỗ trợ giáo dục tổng thể sẽ góp phần quan trọng giải quyết vấn đề “ngắt quãng” chính sách, làm lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước trong thời gian qua, góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS. Đồng thời, là chính sách tích hợp nên kinh phí thực hiện không gia tăng đáng kể; quan trọng nhất là việc thay đổi cách tiếp cận chính sách hỗ trợ học tập theo vòng đời sẽ bảo đảm tiến độ phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong bài viết tiếp theo.