Tạo ra sự so sánh
Theo kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 DTTS do Ủy ban Dân tộc (UBDT) và Tổng cục Thống kê thực hiện gần đây nhất, thời điểm tháng 4/2019, tại 51 tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi có 18.717 trẻ em, HS, SV thuộc các dân tộc rất ít người, có khó khăn đặc thù được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học tập; trong đó giáo dục mầm non có 2.232 em, giáo dục phổ thông có 16.011 em, giáo dục nghề nghiệp có 181 em, giáo dục đại học có 239 em.
Nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ chủ yếu từ ngân sách Trung ương. Trong đó, tại 39 tỉnh, thành phố sử dụng kinh phí Trung ương thực hiện các chính sách hỗ trợ cho 18.511 HS (gồm: 2.225 trẻ mầm non, 15.922 HS phổ thông, 154 HS học nghề và 210 SV đại học). Số trẻ em, HS, SV các dân tộc rất ít người còn lại tại 12 tỉnh, thành phố tự chủ về kinh phí để thực hiện các chính sách hỗ trợ
Trên thực tế, bên cạnh Nghị định số 57/2017/NĐ – CP, hiện có rất nhiều chính sách hỗ trợ học tập đối với trẻ em, HS, SV người DTTS. Đơn cử như, chính sách miễn giảm học phí tại Nghị định số 81/2002/NĐ-CP; chính sách học bổng theo Nghị định số 84/2020/NĐ-CP; chính sách hỗ trợ học tập cho trẻ em độ tuổi mẫu giáo ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP; chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP; chính sách phát triển giáo dục mầm non theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP;…
Tuy nhiên, các chính sách này lại qui định mức, thời gian hỗ trợ khác nhau, gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Đơn cử, cùng là trẻ mầm non người DTTS, nhưng Nghị định số 57/2017/NĐ – CP quy định hỗ trợ 30% lương cơ sở/HS/tháng còn Nghị định 06/2018/NĐ-CP lại hỗ trợ 10%, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP lại hỗ trợ 160 nghìn đồng/HS/tháng (tương đương 10,7%)…
Thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ tại các chính sách cũng khác nhau. Trong khi Nghị định số 57/2017/NĐ – CP thời gian được hưởng là 12 tháng, thì Nghị định 105/2020/NĐ-CP và Nghị định 06/2018/NĐ-CP quy định chỉ có 9 tháng/năm học. Điều này, đã gây không ít khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện ở các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi; đồng thời dẫn tới tình trạng thiếu công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc.
Sự khác nhau về mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ và điều kiện để hỗ trợ của chính sách tạo ra sự so sánh trong cộng đồng các dân tộc (được hưởng - không được hưởng; được hưởng nhiều - được hưởng ít).
Nguyên tắc nhất quán trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, là bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những bất cập nêu trên trong xây dựng, ban hành, thực hiện các chính sách hỗ trợ học tập cho trẻ mầm non, HS, SV người DTTS đã được Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chỉ rõ và kiến nghị, cần được sửa đổi trong Báo cáo số 458/BC-HĐDT15 ngày 16/6/2022 về kết quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 – 2021.
Hỗ trợ theo vòng đời
Ngày 13/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 378/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tại Báo cáo số 458/BC-HĐDT15. Trong Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao UBDT khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng Đề án hỗ trợ giáo dục học tập theo vòng đời cho học sinh DTTS tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBDT đã hoàn thành xây dựng dự thảo Đề án “Hỗ trợ giáo dục học tập theo vòng đời cho học sinh DTTS tại vùng đồng bào DTTS và miền núi” (gọi tắt là dự thảo Đề án). Đề án hướng tới mục tiêu xây dựng một chính sách tổng thể hỗ trợ cho trẻ em, HS, SV người DTTS có cơ hội học tập xuyên suốt, liên tục, kịp thời theo từng giai đoạn học tập, để nâng cao trình độ học vấn trong cộng đồng người DTTS và khuyến khích các em có tài năng phát huy tốt nhất năng lực, trí tuệ, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo dự thảo Đề án, chính sách hỗ trợ sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn học tập của HS người DTTS. Trong đó, giai đoạn Giáo dục mầm non sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa (dự kiến bằng 30% mức lương cơ sở/HS/tháng, được hưởng 12 tháng/năm) và chính sách hỗ trợ học phẩm (dự kiến bằng 5% mức lương cơ sở/HS/tháng và được hưởng 12 tháng/năm). Đối tượng hỗ trợ là trẻ em DTTS tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, không phân biệt thành phần dân tộc.
Đối với Giáo dục phổ thông (giai đoạn 2), dự thảo Đề án đề xuất thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho học sinh người DTTS trong suốt thời gian học tập tại trường THCS; ở cấp THPT thì miễn giảm 100% học phí cho HS thuộc các dân tộc rất ít người, có khó khăn đặc thù trong suốt thời gian học tập tại trường (HS thuộc các dân tộc còn nhiều khó khăn được miễn giảm 70%, HS các DTTS còn lại là 50%). Trong giai đoạn 2, tất cả HS các DTTS được hưởng chính sách hỗ trợ học phẩm, với định mức dự kiến bằng 5% mức lương cơ sở/HS/tháng và được hưởng 12 tháng/năm.
Cũng trong giai đoạn 2, dự thảo Đề án đề xuất thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa. Trong đó, ở cấp Tiểu học, HS thuộc các dân tộc rất ít người, có khó khăn đặc thù được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng bằng 40% mức lương cơ sở; HS thuộc các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng bằng 30% mức lương cơ sở; HS thuộc các DTTS còn lại được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng bằng 20% mức lương cơ sở.
“Ở cấp THCS và THPT, HS thuộc các dân tộc rất ít người, có khó khăn đặc thù được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng bằng 100% mức lương cơ sở. HS các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng bằng 60% mức lương cơ sở; HS các DTTS còn lại được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng bằng 40% mức lương cơ sở”, dự thảo Đề án đề xuất.
Dự thảo Đề án cũng xây dựng các chính sách cho HS Giáo dục nghề nghiệp (giai đoạn 3) và Giáo dục đại học (giai đoạn 4), gồm chính sách hỗ trợ học phí, hỗ trợ tiền ăn, chính sách vay vốn tín dụng. Các chính sách bảo đảm nguyên tắc hỗ trợ bình đẳng, có ưu tiên đối với HS, SV thuộc các dân tộc rất ít người, có khó khăn đặc thù.
Đặc biệt, dự thảo Đề án đề xuất chính sách thưởng. Theo đó, HS, SV người DTTS học tập và rèn luyện tốt, đạt kết quả từ khá trở lên (ở năm học trước đó) được nhà trường thưởng một lần/năm, với các mức: 30% mức lương cơ sở nếu đạt khá, 50% mức lương cơ sở nếu đạt giỏi; 70% mức lương cơ sở nếu đạt xuất sắc.
Những chính sách được xây dựng trong dự thảo Đề án hướng tới mục tiêu nâng cao cơ hội học tập tiếp cận công bằng cho trẻ em, HS, SV người DTTS để các em được tiếp cận giáo dục, học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức. Việc hỗ trợ giáo dục theo từng giai đoạn từng bước sẽ xóa bỏ khoảng cách chênh lệch giáo dục giữa vùng, miền và các nhóm dân tộc, tạo được nguồn nhân lực DTTS chất lượng cao để phục vụ mục tiêu, định hướng và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh vùng đòng bào DTTS và miền núi.