Ngôi đình tọa lạc trên một khoảnh đất rộng vài trăm mét vuông, vừa gần đường làng cũng vừa gần sông, nên thuận lợi cả đường bộ lẫn đường thủy. Ngôi đình đơn sơ, không cổng, không vách, chỉ là một ngôi nhà tiền chế, giữa có một bàn thờ thần được xây bằng bê tông để tiện việc nhang khói, cúng bái. Giữa ban thờ thần có bức liễn với đôi câu đối: “Ngàn kiếp tôn thờ người mở cõi/Muôn đời tưởng nhớ bậc an dân”, phía trên cùng là dòng chữ “Đình thần ấp Voi Đình”.
Ông Nguyễn Văn Bê, 84 tuổi, người cao tuổi nhất trong buổi cúng đình, cũng là người đã sinh ra và lớn lên ở xã Thủy Đông cho biết, ngôi đình này có sắc phong hẳn hoi (sắc phong hiện được giữ ở ngôi đình trên Bến Kè). Từ việc có ngôi đình ở đây, nên doi đất của khu vực này được gọi là Doi Đình.
Khoảng mùa khô năm 1963, chính quyền chế độ cũ đã cho di dời ngôi đình này. Chính ông Bê là người chở ngôi đình này bằng tàu và mang cả sắc phong về ấp chiến lược Thủy Đông, sát bên bờ rạch Bến Kè, gần với quận lỵ Tuyên Nhơn (Nay là Khu phố 4, thị trấn Thạnh Hóa) để chúng quản lý. Dù ngôi đình đã bị tháo dỡ, nhưng bà con khu vực quanh Doi Đình vẫn tiếp tục cúng thần đình tại nền đình cũ, chứ không chịu về Bến Kè. “Một tấc không đi, một ly không rời”, người dân không chấp hành theo lệnh của chính quyền chế độ cũ vì luôn hướng về cách mạng và đi theo cách mạng.
Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất (30/4/1975), Lễ cúng đình lại được bà con tiếp tục trên nền đất cũ. Ngôi đình được dựng lại bằng cột tràm, mái tranh thật đơn sơ mà dạt dào tình cảm của những người luôn biết tri ân tiền nhân và cả những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập của Tổ quốc.
Hằng năm, cứ đến ngày Lễ đình, người dân địa phương lại tề tựu về đây, cùng nhau hành lễ, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mọi điều tốt lành đến với người dân.
Những năm gần đây, địa phương có thêm nghề mới, là nghề trồng mai vàng. Tuy là nghề mới, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cũng khá lạc quan. Vậy là Voi Đình không chỉ là nơi tổ chức những hoạt động cộng đồng, mà còn là nơi mọi người dân gặp gỡ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển nghề. Và, ai cũng thầm tự hào, vì quê mình đã có được một ngôi đình như thế - “Đình thần ấp Voi Đình”!