Nỗ lực của nghệ nhân
Dòng tranh dân gian Đông Hồ từ lâu đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ người Việt với hình ảnh đám cưới chuột, gà đàn, vinh hoa - phú quý... kết tụ tinh hoa về nghệ thuật tạo hình, làm giấy, pha màu… Thế nhưng, giờ đây ở làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh chỉ còn 4 hộ gia đình làm tranh truyền thống, nơi còn lưu giữ cách làm tranh cổ xưa nhất của vùng đất Kinh Bắc.
Từ những năm 90, khi người dân làng tranh bán hết bản khắc gỗ để mưu sinh, hoặc để mất, thất lạc thì Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã thu mua bằng hết. Đến nay, ông vẫn còn lưu giữ được gần 100 bản khắc cổ và phục chế được hàng trăm bản khắc khác. Trước sự thay đổi về đời sống, cơ chế thị trường, ông lăn lộn, thử thách bản thân rất nhiều để tìm đường phát triển cho tranh.
“Đứng trước thời đại mở cửa, hội nhập của đất nước, gia đình tôi đã mạnh dạn thành lập Doanh nghiệp tư nhân Tranh dân gian Đông Hồ. Đây vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi giao lưu văn hóa, trưng bày và bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ, phục vụ cho nghiên cứu khoa học, thưởng thức nghệ thuật của khách du lịch trong nước và quốc tế”, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế thông tin.
Cùng tâm huyết với nghề truyền thống như nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, ở làng Đông Hồ, bà Nguyễn Thị Oanh- nữ nghệ nhân duy nhất cũng đang từng ngày duy trì nghề làm tranh Đông Hồ. Sau khi tiếp quản xưởng tranh của gia đình, bà Oanh luôn cố gắng làm nghề và tích cực tham gia các cuộc triển lãm sản phẩm nghề thủ công truyền thống diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố cả nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tranh Đông Hồ.
Tuy số nghệ nhân sống chết với nghề nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng họ vẫn miệt mài, cần mẫn, không ngừng nâng cao chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn nghệ thuật. Giờ đây, tranh Đông Hồ không chỉ được thiết kế đơn giản trên mành như trước mà còn được đóng trong khung hay thể hiện trên các vật dụng quen thuộc hằng ngày, đa dạng về thể loại, kích thước.
Sự vào cuộc từ nhiều phía
Mới đây, Thủ tướng cũng chỉ đạo Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm các thủ tục cần thiết để gửi hồ sơ khoa học “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” tới UNESCO trong thời gian sớm nhất. Trước đó, hồ sơ di sản đã được Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định, có ý kiến về việc xin phép ký và gửi hồ sơ di sản trình UNESCO xét ghi danh.
Theo Tiến sĩ Vũ Hồng Thuật, Bảo tàng Dân tộc Việt Nam, bảo tồn, phát huy các giá trị của làng tranh Đông Hồ trong đời sống đương đại là công việc hệ trọng, vừa cấp bách vừa có ý nghĩa lâu dài. Đây cũng là công việc có nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các nghệ nhân lẫn chính quyền phải quyết tâm thực hiện tốt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Có như vậy, chúng ta mới giữ gìn và phát huy được giá trị đặc sắc vô cùng to lớn của dòng tranh mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mà trong đó các nghệ nhân in tranh là nhân tố trung tâm.
Làng tranh dân gian Đông Hồ đang đứng trước những vận hội mới. Hy vọng trong tương lai gần, cùng với sự đầu tư, vào cuộc của các cơ quan chức năng, lòng nhiệt huyết, yêu nghề của các nghệ nhân, làng tranh Đông Hồ sẽ tìm lại được vị trí vốn có của mình và ngày càng phát triển, làm giàu thêm cho nền văn hoá đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam.