Nói đến Việt Bắc, du khách sẽ nghĩ đến câu sli, câu lượn, tiếng hát then. Then đã có từ ngàn đời xưa được truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Then đã ngấm linh hồn, máu thịt của đồng bào dân tộc vùng Việt Bắc và lan tỏa sang một số vùng miền trong cả nước.
Thực tế, nhiều nhà nghiên cứu đã tìm hiểu, nghiên cứu về then đều ghi nhận, then mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Then là di sản văn hóa của nhân loại, dù thời gian trôi qua, nhưng then vẫn không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của đồng bào Việt Bắc. Vấn đề đặt ra là phải đưa thực hành then vào ngành du lịch, tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn, thu hút được du khách bốn phương, góp phần đưa du lịch vùng Việt Bắc ngày càng phát triển, khiến du khách đã đến thăm Việt Bắc ra về trong lòng còn lưu luyến vấn vương: “Ai về Việt Bắc quê em/ Tính then, sli, lượn thắm duyên lòng người”.
Là người nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu, thực hành then, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Quang (hiện giảng dạy tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc) khẳng định, muốn “đặc sản” Việt Bắc tạo động lực cho du lịch phát triển, thì việc đầu tiên cần làm là phải chú trọng đào tạo đội ngũ sinh viên vững về chuyên môn, tâm huyết với nghề. “Trong những năm qua,Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc là đơn vị chủ lực đào tạo đội ngũ này.
Theo tôi, Ban Giám hiệu nhà trường và trực tiếp là công đoàn và đoàn thanh niên cần chỉ rõ cho sinh viên ngành du lịch hiểu. Khi sinh viên đã nắm giữ được việc thực hành đàn, hát then thì đó là một thế mạnh độc đáo để góp phần vào phát triển du lịch.
Đồng thời, phải tạo cho sinh viên sự hào hứng, tự nguyện tham gia thực hành then bằng nhiều cách như: Mời các chuyên gia đang giảng dạy thực hành then về nói chuyện chuyên đề hoặc tổ chức cho sinh viên giao lưu văn nghệ và tham gia các cuộc biểu diễn văn nghệ của nhà trường với các tiết mục hát then...” -Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Quang đề xuất.
Ngoài ra, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Quang cũng mong muốn, phía nhà trường phải thành lập Câu lạc bộ hát then sinh viên mà đại diện trong Ban chủ nhiệm của Câu lạc bộ phải có trong Ban chấp hành đoàn trường và nên vận động 100% sinh viên ngành du lịch tham gia.
Trong đó, nhà trường phải đảm trách 2 việc, là gây quỹ mua đàn tính và đạo cụ; duy trì và thực hành then. Giảng viên có thể hướng dẫn từ 2 - 4 buổi/tháng. Sinh viên ngoài thời gian thực hành tại lớp sẽ quay lại những bài tập đã được hướng dẫn, về tự tập hoặc tự tập theo nhóm, có như vậy mới tiết kiệm được kinh phí giảng dạy mà vẫn mang lại hiệu quả.
Trong quá trình duy trì hoạt động thực hành then, phải có đánh giá kết quả học tập và tạo điều kiện cho sinh viên được tham gia trải nghiệm biểu diễn giao lưu để khích lệ học tập và gây quỹ cho Câu lạc bộ.
Thạc sĩ Đặng Thế Anh (hiện giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn) thì đề xuất một số mô hình có thể ứng dụng vào phát triển du lịch, như: Mô hình du lịch tín ngưỡng (du lịch di sản tại chỗ), mô hình tham quan, tham dự sự kiện và đặc biệt là mô hình bảo tàng tư nhân.
Theo Thạc sĩ Đặng Thế Anh thì trong phát triển của du lịch văn hóa, từ lâu, bảo tàng là thành tố quan trọng, một phương thức hoạt động rất phổ biến ở Việt Nam cũng như hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Bảo tàng giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh, đồng thời, còn có vai trò giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển du lịch bền vững.
Tuy nhiên, ở nước ta, việc gắn kết du lịch với bảo tàng mới chỉ dừng lại ở bảo tàng nhà nước, các bảo tàng tư nhân chưa được chú ý và giới thiệu trong các tour du lịch.
“Từ nhận thức “bảo tàng tư nhân không chỉ là sở hữu của một cá nhân mà các nhà sưu tập tư nhân có thể liên kết thành lập bảo tàng hoặc cá nhân liên kết với tổ chức có vốn đầu tư không phải vốn Nhà nước”. Điều này đã được khẳng định qua hệ 12 thống bảo tàng tư nhân tại Anh và Pháp, tôi đặt ra vấn đề nghiên cứu và thiết kế mô hình gắn kết du lịch văn hóa với các bảo tàng tư nhân theo sơ đồ sau: Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên sẽ giữ vai trò trung tâm, làm đầu mối trong việc liên kết với các bảo tàng tư nhân tại các địa phương. Bảo tàng tư nhân tại địa phương giữ vai trò vệ tinh và xây dựng bảo tàng dựa trên những nét đặc trưng của then tại địa phương mình. Vượt lên những hạn chế, khó khăn trước mắt, với đặc thù và cách gắn kết tự thân, chắc chắn, bảo tàng tư nhân sẽ góp phần không nhỏ trong việc quảng bá then Việt Bắc đến với bạn bè thế giới. Và dĩ nhiên, sẽ tạo nên mối cộng sinh bền vững giữa nó với xu thế phát triển du lịch văn hóa trong tương lai ngành du lịch ở Việt Nam” - Thạc sĩ Đặng Thế Anh nhấn mạnh.
Cũng theo Thạc sĩ Đặng Thế Anh, khi phát triển 3 mô hình trên sẽ phát sinh vấn đề mua sắm sản phẩm tâm linh. “Đối với du khách, việc mua sắm các sản phẩm văn hóa tâm linh mang ý nghĩa may mắn, an lành trong hành trình du lịch của mình là một nhu cầu thiết yếu. Thậm chí, có nhiều trường hợp hoạt động này còn trở thành mục đích chính của chuyến đi. Chúng ta có thể liệt kê một số sản phẩm tâm linh gắn với then, như: Trang phục, vật phẩm trang trí họa tiết cắt bằng giấy, CD/VCD then văn nghệ/then cổ, sách nghiên cứu... Vì vậy, trong tất cả các mô hình trên, việc mua sắm sản phẩm tâm linh gắn với then phải được lồng ghép một cách “khéo léo” khi xây dựng lịch trình cho các tour” - Thạc sĩ Đặng Thế Anh khẳng định.