Có một thực tế là nhiều hộ nghèo khi công việc thiếu tính ổn định, lại có nhiều hỗ trợ của Nhà nước nên từ lâu không còn có "khái niệm" thoát nghèo. Bởi người dân cho rằng, nếu thoát khỏi diện nghèo sẽ không được nhận các chương trình hỗ trợ của Nhà nước nữa. Những chính sách của nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo hiện nay đang triển khai nhiều chương trình như: Hỗ trợ 100% tiền mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo và cận nghèo; hỗ trợ tiền điện 49.000 đồng/tháng/hộ nghèo. Ngoài ra, hộ nghèo, cận nghèo còn được nhận chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập... Nếu thoát nghèo, những chính sách trên gần như bị cắt hoàn toàn.
Tâm lý ỷ lại, không muốn thoát nghèo ngay từ trong nếp nghĩ khiến công cuộc xóa nghèo của nhiều địa phương gần như lâm vào bế tắc, nhiều hộ dân cũng không mấy bằng lòng với việc được thoát nghèo của mình, thậm chí còn “trăn trở”, mong muốn được tái nghèo. Vì tâm lý chung “sợ thoát nghèo” sẽ mất các khoản hỗ trợ nên năm nào cũng vậy, dịp bình xét hộ nghèo cuối năm ở nhiều địa phương luôn “nóng”. Hầu hết những hộ được bình xét thoát khỏi diện nghèo và cận nghèo lẽ thường tình phải vui mừng, phấn khởi nhưng ngược lại họ lại tỏ ra bất bình với kết quả đó. Lối suy nghĩ lạc hậu, bằng lòng với cuộc sống hiện tại, ý thức vươn lên thoát nghèo thấp khiến cuộc sống của nhiều hộ không thoát khỏi vòng luẩn quẩn với cái nghèo đeo bám.
Nhiều lãnh đạo ở các địa phương cũng trăn trở rằng ý thức thoát nghèo của bà con vẫn còn rất nhiều hạn chế. Hầu hết các hộ đều sợ thoát nghèo, tìm mọi cách trốn tránh để được liệt vào danh sách hộ nghèo, cận nghèo. Bà con sợ nếu thoát khỏi diện nghèo sẽ không được nhận hỗ trợ của Nhà nước nữa. Ngày Tết, lễ sẽ không được nhận quà. Lũ trẻ đi học phải đóng học phí còn người già ốm đau đi viện không được miễn giảm các khoản viện phí nữa… Cứ thế bao năm nay bài toán thoát nghèo xoay vòng luẩn quẩn thoát nghèo rồi lại tái nghèo.
Theo ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc, dù được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ đầu tư phát triển, nhưng do xuất phát điểm thấp nên vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện vẫn tồn tại 5 nhất đó là, địa bàn khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất. Trong đó, thu nhập bình quân của hộ DTTS chỉ bằng 2/5 thu nhập bình quân trong khu vực; các vấn đề như di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt…chưa được giải quyết hiệu quả.
Ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS thì khó khăn lớn nhất trong công tác giảm nghèo hiện nay chính là “sức ì” của các hộ nghèo không muốn thoát nghèo. Vì vậy, để phá vỡ sức ì này cần phải có những giải pháp hỗ trợ người nghèo sát thực tế hơn. Hạn chế hỗ trợ trực tiếp cho họ mà sẽ chuyển sang hỗ trợ theo hướng đầu tư cho cộng đồng.
Phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động đã được triển khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Theo đó, Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là 1 trong 3 chương trình MTQG đang triển khai hiện nay, thể hiện tính nhân văn sâu sắc và sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, giúp người dân, nhất là các vùng khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mục tiêu tổng quát của chương trình là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Đảng ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể ở các địa phương đã luôn linh hoạt hỗ trợ các hộ nghèo bằng những hình thức phù hợp với từng hoàn cảnh, chú trọng việc tạo sinh kế, giúp người dân vươn lên trong cuộc sống và thoát nghèo bền vững.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo tích cực của Đảng ủy và chính quyền địa phương, các thành viên của Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững ở nhiều địa phương đã “tỏa rộng, thấm sâu” về từng địa bàn khu dân cư để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu thoát nghèo của từng hộ gia đình. Những điển hình thoát nghèo từ vay vốn phát triển sản xuất ở các xã đặc biệt khó khăn vùng cao, vùng đồng bào DTTS, đang góp phần xóa đi tâm lý trông chờ ỷ lại vào trợ cấp của Nhà nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhiều hộ nghèo có tích lũy, vươn lên khá giả ngày càng nhiều ở nhiều vùng đất mà trước đây chỉ có đói nghèo.
Nhiều ý kiến cho rằng các chương trình giảm nghèo không nên tập trung hỗ trợ cho vài ba con lợn, con gà để các hộ nghèo chăn nuôi, bởi thực tế đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, mô hình chưa thể tạo kế sinh nhai bền vững giúp các gia đình thoát nghèo được bởi giá cả thất thường, khó duy trì tái đàn. Trong khi đó việc nhân rộng mô hình thì khó khăn. Những hỗ trợ kịp thời sẽ giúp tháo gỡ khó khăn bước đầu cho người nông dân nghèo, nhưng bên cạnh đó phải làm thế nào để từng bước thay đổi nhận thức của bà con, xóa tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, để bà con tự vươn lên trong cuộc sống. Để thoát nghèo bền vững, cần hỗ trợ tư vấn, đào tạo nghề để có việc làm, thu nhập ổn định. Từ đó, cuộc sống từng bước mới được cải thiện. Cách tiếp cận mới về giảm nghèo là giúp người nghèo tự vươn lên giảm việc “cho trực tiếp, cho không”.
Để giúp người dân và cộng đồng “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no”, thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo” vào năm 2030, một trong những giải pháp quan trọng mà Đảng, Nhà nước đưa ra là giúp người nghèo sinh kế ổn định để có thu nhập tốt hơn, từ đó vươn lên thoát nghèo.
Hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề ra 5 nội dung trọng tâm cho công tác giảm nghèo. Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Lê Văn Thanh cho biết, muốn thực hiện được mục tiêu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”, trước hết chúng ta phải tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng lõi nghèo, vùng khó khăn. Có cơ sở hạ tầng thuận lợi, người dân sẽ có điều kiện tốt hơn trong sản xuất kinh doanh cũng như trong đời sống. Đồng thời huy động nguồn lực để giúp cho người dân ổn định sinh kế vươn lên thoát nghèo thông qua việc có thu nhập tốt hơn. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, nhất là 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai.
“Với cách làm này thì người dân nhận thức được họ phải tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại. Cũng chỉ có như vậy thì người dân mới thoát nghèo bền vững, giảm nghèo bền vững, tránh tái nghèo cũng như phát sinh nghèo, còn các địa phương sẽ không còn những huyện nghèo, xã khó khăn”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Những năm qua, nhiều địa phương đã có những chính sách, chương trình hữu hiệu để xóa đói, giảm nghèo, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân khó khăn có cuộc sống tốt hơn. Việc hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn xã hội. Trong đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên của người nghèo được triển khai mạnh mẽ. Những người nghèo, cận nghèo cần phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên thoát nghèo bền vững. Cuộc chiến chống đói nghèo không thể thành công nếu chính người nghèo không nỗ lực vươn lên vì một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.