“Trao cần câu, không trao con cá”
Chúng tôi đã đến xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), trực tiếp quan sát các mô hình hỗ trợ sinh kế thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đối với bà con dân tộc Mường nơi đây. Có thể thấy, một số mô hình đã có những tín hiệu tốt, bước đầu tạo sự hứng khởi cho các hộ trong việc chủ động vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình.
Điển hình như gia đình bà Phạm Thị Lâm, thôn Thanh Tâm, xã Cẩm Tâm, là một trong số những hộ nghèo được thụ hưởng chính sách hỗ trợ sinh kế này.
Có hoàn cảnh rất khó khăn và thiếu thốn, tháng 3/2023, được Nhà nước hỗ trợ 18 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình giảm nghèo, cùng với một phần kinh phí đối ứng, bà Lâm đã mua được một con trâu sinh sản. Sau thời gian chăm sóc, trâu phát triển khỏe mạnh và sinh được một con nghé. Bà Lâm phấn khởi nói, với kết quả này đang tạo động lực cho gia đình bà tự tin, tiếp tục mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư để thực hiện các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập.
“Những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, gia đình tôi không chỉ được hỗ trợ tiền để làm nhà, mua trâu sinh sản mà còn được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Hiện nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, cuộc sống đã được cải thiện. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì gia đình tôi không biết khi nào mới thoát khỏi cảnh thiếu trước, hụt sau”, bà Lâm bộc bạch.
Cũng như gia đình bà Lâm, 18 gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo của xã Cẩm Tâm, đã sử dụng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để mua trâu sinh sản. Qua tìm hiểu thực tiễn được biết, sau khi mua trâu về nuôi, các hộ tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và dành quỹ đất để trồng cỏ, làm nguồn thức ăn cho vật nuôi. Hiện nay, trâu của các hộ đang phát triển tốt. Mô hình nuôi trâu sinh sản tại xã Cẩm Tâm được kỳ vọng sẽ góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước giúp các hộ dân thoát nghèo.
Ông Phạm Hải Lăng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Tâm, cho biết: Với phương châm “Trao cần câu, không cho con cá”, việc hỗ trợ trâu giống, đã tạo “điểm tựa” giúp các hộ nghèo, cận nghèo nỗ lực vượt khó để vươn lên. Hiện nay, xã Cẩm Tâm chỉ đạo công chức nông nghiệp thường xuyên hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh.
Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo của xã Câm Tâm đã giảm đáng kể. Nếu năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 9,68%, thì hiện nay tỷ lệ này giảm xuống 2,35%. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 47,2 triệu đồng/người/năm.
Có thể thấy, diện mạo nông thôn của xã miền núi này đang khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được tăng lên. Qua đó, cho thấy Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã thực sự đi vào cuộc sống, giúp các hộ nghèo có thêm động lực để vươn lên thoát nghèo.
Chính sách đi vào cuộc sống
Mô hình chăn nuôi trâu sinh sản được huyện Cẩm Thủy triển khai thực hiện, thuộc dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững). Hiện có 66 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo của các xã Cẩm Tâm, Cẩm Thành, Cẩm Liên được thụ hưởng, với nguồn kinh phí thực hiện hơn 1,7 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp hơn 700 triệu đồng.
Hiện nay, huyện Cẩm Thủy đang tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi trâu sinh sản. Để thực hiện được điều này, UBND huyện Cẩm Thủy đã chỉ đạo các xã rà soát nhu cầu của các hộ nghèo, cận nghèo để xây dựng dự án, trình UBND huyện phê duyệt.
Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Thủy, thời gian tới huyện sẽ xây dựng mô hình nuôi trâu sinh sản tại các xã Cẩm Giang, Cẩm Tú, Cẩm Yên, Cẩm Vân, Cẩm Phú, Cẩm Ngọc, Cẩm Tân, kinh phí thực hiện hơn 2,8 tỷ đồng. Đây chính là “lực đẩy” quan trọng giúp nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Hải Sâm, Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Thủy, cho biết: Những năm trước đây, thực hiện chương trình giảm nghèo, huyện Cẩm Thủy đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, trong đó, mô hình nuôi trâu, bò sinh sản đã phát huy được hiệu quả, giúp hàng trăm hộ dân vươn lên thoát nghèo.
Phát huy những kết quả đạt được, huyện Cẩm Thủy tiếp tục thực hiện mô hình nuôi trâu sinh sản, bởi trâu là con vật dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện khí hậu, tập quán sản xuất của người dân, mang lại lợi nhuận cao. Cùng với việc phát triển mô hình nuôi trâu sinh sản, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hàng năm trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, huyện Cẩm Thủy quan tâm bố trí, lồng ghép nhiều nguồn lực hỗ trợ cho người nghèo xây dựng mô hình sinh kế phù hợp với lợi thế của địa phương.
Với việc triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2015, “công cuộc” giảm nghèo của huyện Cẩm Thủy đang tiếp tục đạt những kết quả khả quan. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 2,96%, hộ cận nghèo là 3,94%, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.
“Huyện Cẩm Thủy tiếp tục tập trung nguồn lực để hỗ trợ mở rộng mô hình nuôi trâu sinh sản và các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương, giúp các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường triển khai các chương trình cho vay giải quyết việc làm, mở rộng sản xuất để hộ nghèo có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, tránh tái nghèo”, ông Nguyễn Hải Sâm chia sẻ.