Chuyển động từ cơ sở
Thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) vốn là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự. Đây là nơi cư trú của nhiều thành phần DTTS như dân tộc Sán Dìu, Thái, Mường, Dao. Trên địa bàn có 2 tôn giáo chính là Thiên Chúa giáo và Phật giáo.
Trước đây, nhận thức về pháp luật của người dân rất hạn chế. Tuy nhiên từ 2017 đến nay, nhờ thực hiện Đề án 1163, người dân đã có những thay đổi căn bản trong nhận thức về pháp luật.
Già làng Nguyễn Văn Hai, dân tộc Sán Dìu, ở thị trấn Đại Đình cho biết: “Ngày xưa bà con không muốn đi nghe những buổi tuyên truyền pháp luật, nhưng bây giờ được thông báo có lớp tuyên truyền là bà con đi ngay. Bà con muốn đi để được hiểu biết pháp luật hơn, từ đó động viên nhau thực hiện đúng pháp luật”.
Ông Trần Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đình cho biết, từ năm 2017 đến nay, hằng năm, Phòng Dân tộc, Phòng Tư pháp của huyện đã chủ trì tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đồng bào DTTS trên địa bàn thị trấn. Thông qua chương trình tuyên truyền, các tầng lớp Nhân dân đã hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, từ đó hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật; nhận thức của người dân trong vùng đồng bào DTTS được nâng cao. Qua đó, người dân chấp hành pháp luật một cách tích cực hơn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Đánh giá hiệu quả của Đề án trên địa bàn, ông Trần Phú Phương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, thực hiện Đề án 1163, hằng năm, Ban Dân tộc phối hợp với Sở Tư pháp triển khai chương trình phối hợp, trong đó tập trung lồng ghép việc thực hiện chính sách dân tộc với việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đối với vùng DTTS của tỉnh.
Chỉ tính riêng năm 2019, Vĩnh Phúc đã tổ chức mở 43 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và Nhân dân của 40 xã vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh với trên 6.000 lượt người tham gia. Đối tượng của chương trình là các cán bộ làm công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện, cán bộ xã, cán bộ thôn, Người có uy tín, các chi hội đoàn thể của thôn, trưởng dòng họ, các điển hình trong lao động, sản xuất, kinh doanh và người dân sinh sống trên địa bàn. Trong năm 2019, Đề án 1163 tập trung vào các nội dung như quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; bạo lực gia đình; đồng thời tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS bài trừ hủ tục lạc hậu, bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp.
Ngoài ra, Ban Dân tộc đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông biên soạn và phát hành 520 cuốn “Sổ tay công tác dân tộc” cấp phát cho trưởng các ngành, đoàn thể của xã, thôn vùng DTTS và miền núi. Cuốn sổ tay đã phát huy hiệu quả làm kim chỉ nam trong công tác dân tộc.
Thông qua thực tiễn tại cơ sở có thể khẳng định, Đề án 1163 là vô cùng cần thiết và hiệu quả. Đây cũng là tiền đề quan trọng để tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật trong vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian tới.