Có thể khẳng định, mục tiêu thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp của nước ta đã đạt được những kết quả tích cực. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tại Hội thảo về Cơ giới hóa đồng bộ nông nghiệp diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 23/6/2020, cho thấy, so với năm 2010, hiện số lượng máy kéo cả nước tăng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%; máy sấy nông sản tăng 29%.
Đến nay, ngành cơ khí trong nước đã sản xuất được động cơ, máy kéo công suất đến 30 mã lực (HP), chiếm hơn 30% thị phần trong nước; máy liên hợp gặt lúa chiếm 15% thị phần. Cả nước hiện có 7.803 doanh nghiệp cơ khí (có 95 doanh nghiệp có vốn hơn 500 tỷ đồng) và gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp.
Nhờ đó, tỷ lệ cơ giới hóa trong từng lĩnh vực sản xuất của ngành đã tăng nhanh. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt, làm đất lúa đạt 95%; gieo trồng đạt 42%; chăm sóc, bảo vệ thực vật và các cây trồng khác 77%; thu hoạch lúa đạt 70%.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg đã góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa và khuyến khích thúc đẩy các cơ sở cơ khí chế tạo máy nông nghiệp đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị sản xuất có hiệu quả.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hiện mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp chưa đồng đều ở các khâu, các lĩnh vực. Cụ thể, mới tập trung chủ yếu vào làm đất, chăm sóc lúa, mía; thu hoạch lúa. Ở nhiều khâu, mức độ cơ giới hóa còn thấp như chăm sóc cây ăn quả, thu hoạch mía, cà phê.
Riêng đối với lĩnh vực lâm nghiệp, hiện vẫn có tới 70% khối lượng công việc làm thủ công, áp dụng cơ giới hóa chỉ mới thực hiện hai khâu chặt hạ và vận chuyển. Còn nhiều khâu sản xuất quan trọng chiếm tỷ lệ khối lượng công việc lớn như trồng, chăm sóc, chữa cháy, bốc xếp thì tỷ lệ cơ giới hóa thấp.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần có nhiều giải pháp đồng bộ và triển khai hiệu quả từ các địa phương.
Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ áp dụng máy ở khâu chăm sóc trong lĩnh vực trồng trọt đạt 95% và khâu thu hoạch đạt 90%. Ở lĩnh vực lâm nghiệp, tại các vùng trồng rừng tập trung, quy mô lớn có áp dụng máy móc các khâu làm đất đạt 75%, trồng cây đạt 50%, phòng trừ sâu bệnh và phòng, chống cháy rừng đạt 90%, thu hoạch đạt 50%...