Mường Nhé, tỉnh Điện Biên là huyện đặc biệt khó khăn của cả nước, điều kiện kinh tế, xã hội của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, nên huyện Mường Nhé luôn xác định đầu tư cho giáo dục là hướng ưu tiên hàng đầu. Huyện luôn chú trọng thực hiện hiệu quả các mô hình trường dân tộc bán trú.
Hiện tại huyện Mường Nhé có 23 trường PTDTBT và trường THPT xã Sín Thầu có học sinh sinh bán trú. Qua nhiều năm thực hiện mô hình trường PTDTBT, đã tiếp thêm động lực cho học sinh các xã đặc biệt khó khăn khu vực vùng cao biên giới có điều kiện tốt hơn để học tập. Tỷ lệ học sinh chuyên cần, chất lượng giáo dục toàn diện ở các trường học bán trú, đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo quy định tại Nghị định 116, về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở các xã đặc biệt khó khăn, do Chính phủ ban hành năm 2016, học sinh tiểu học, học sinh THCS có nhà ở cách trường lần lượt là 4 km và 7km, hoặc nơi có địa hình cách trở giao thông đi lại khó khăn, đều thuộc diện được thu hưởng chính sách dành cho học sinh bán trú.
Năm học 2023-2024, huyện có 6.932 học sinh được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Trong đó cấp cấp Tiểu học 3.449 em, cấp THCS 3.483 em.
Từ các điểm bản xa xuống trường trung tâm để học tập, mái trường giờ đây đã trở thành ngôi nhà chung, còn các thầy cô giáo chính là những người cha, người mẹ thứ 2 của các em học sinh bán trú. Thời gian học tập sinh hoạt có nền nếp, nên tỷ lệ học sinh chuyên cần của các trường PTDTBT ở huyện Mường Nhé luôn đạt từ 95% trở lên. Các thầy cô giáo có thêm nhiều thời gian, để truyền thụ kiến thức, hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và nếp sống tự lập cho học sinh của trường.
Em Sùng Thị Ngọc Linh học sinh lớp 5A4, trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ, xã Mường Nhé chia sẻ: Nhà em ở cách trung tâm xã hơn 8km, đến trường được các thầy cô chăm sóc, được ăn uống đầy đủ và được tham gia nhiều hoạt động cùng các bạn, nên em rất thích đi học.
Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD - ĐT huyện cho biết: Hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng triển khai nhiều giải pháp cụ thể, nhằm quản lý và thực hiện tốt mô hình trường PTDTBT, đặc biệt là thực hiện đúng, đủ chính sách của nhà nước dành cho học sinh.
“Mô hình bán trú đã hỗ trợ, động viên cho các em học sinh đang sinh sống tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vượt qua hoàn cảnh để đến lớp học, giảm bớt tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ ra lớp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường”, ông Phạm Thiết Chùy cho biết.
Tại Lạng Sơn, toàn tỉnh hiện có 670 trường học, với trên 200.000 học sinh, sinh viên, trong đó, trên 80% học sinh là người DTTS sinh sống ở những nơi có điều kiện kinh tế – xã hội, giao thông còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, Lạng Sơn luôn quan tâm phát triển hệ thống các trường chuyên biệt, trong đó có trường PTDTBT ở vùng cao. Năm học 2022 - 2023 Lạng Sơn có 95 trường PTDTBT, 117 trường PT có HSBT. Từ các chế độ, chính sách hỗ trợ học sinh như hỗ trợ gạo, tiền ăn đã giúp các em học sinh DTTS có điều kiện học tập đầy đủ.
Điển hình như huyện Tràng Định, hiện duy trì 10 trường PTDTBT, với trên 1.000 học sinh theo học. Hằng năm, 100% học sinh học tập tại đây đều được hưởng chế độ theo Nghị định 116.
Theo thông tin của ông Đường Mạnh Hà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tràng Định: Hằng năm, phòng đều tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã thành lập hội đồng xét duyệt học sinh bán trú,gồm đầy đủ các thành phần theo quy định trong đó Chủ tịch hội đồng là lãnh đạo UBND xã nơi đặt trường PTDTBT. Sau khi xét tuyển, các em học sinh khi học tập tại trường đều được thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền ăn, ở theo quy định của Nhà nước.
Cùng với đó, đa số các trường PTDTBT trên địa bàn tỉnh đã có bếp ăn bán trú được bố trí phù hợp, đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh. Các trường đã trang bị đồ dùng phục vụ công tác chăm sóc nuôi dưỡng như: bát, thìa bằng inox, tủ lưu mẫu thức ăn hằng ngày, máy lọc nước, tủ sấy bát…
Các bữa cơm cho học sinh đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Các nhà trường quản lý chặt chẽ, đúng quy định về việc theo dõi nhập, xuất thực phẩm, các bước chế biến thức ăn, công khai tài chính, có hợp đồng đầy đủ với cơ sở cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; 100% trường PTDTBT có nguồn nước sạch để phục vụ ăn uống và sinh hoạt. Ngoài ra, 100% học sinh tại các trường PTDTBT được cấp bảo hiểm y tế theo quy định.
Theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học đối với giáo dục dân tộc của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn, từ năm học 2020 – 2021 đến nay, tỷ lệ học sinh tiểu học người DTTS trên địa bàn tỉnh đi học đúng độ tuổi và hoàn thành chương trình tiểu học luôn đạt trên 99%.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Lạng Sơn, Hà Thị Khánh Vân cho biết: Các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi của Chính phủ đã góp phần tăng cường mở rộng quy mô trường lớp, tăng tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh ở xa, học sinh vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn được đến trường học có nơi ăn, ở thuận lợi hơn. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, từng bước củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục ở các vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ, hệ thống trường PTDTBT đã và đang làm thay đổi tích cực chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Sự phát triển nhanh về quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng, đã khẳng định được vai trò to lớn của hệ thống trường này trong việc huy động tối đa học sinh tiểu học và THCS trong độ tuổi tới trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc củng cố và duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS, nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.