Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Đại diện Vụ Giáo dục Dân tộc - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), thực hiện Luật GD&ĐT và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 03 ngày 6/2/2023 về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTBT và Thông tư 04 ngày ngày 23/2/2023 về Quy chế tổ chưc và hoạt động của trường PTDTNT Các thông tư mới đã cụ thể hóa nhiệm vụ của trường PTDTNT, phân cấp triệt để nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị.
Hiện nay Bộ GD&ĐT đang xây dựng tài liệu tập huấn quy chế trường PTDTBT, PTDTNT và tài liệu nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên quản lý và tổ chức các hoạt động của trường PTDTNT.
“Hội thảo là cơ hội để Ban soạn thảo tài liệu lắng nghe khó khăn, vướng mắc của các trường PTDTNT trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung giáo dục đặc thù”, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Tại Hội thảo các đại biểu đã trao đổi những vấn đề xung quanh những vướng mắc của các trường trong triển khai thực hiện quy chế, hoạt động trải nghiệm… theo thông tư mới ban hành.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang, trong những năm vừa qua, sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ cao hơn bình quân của cả nước. Duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ.
Để nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch về phát triển hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, từ năm học 2021 - 2022, tỉnh chuyển đổi 3 trường PTDTNT THCS thành trường PTDTNT liên cấp THCS - THPT và 4 trường phổ thông thành trường PTDTBT liên cấp TH - THCS. Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có 7 trường PTDT nội trú với 3.039 học sinh, trong đó: 2.965 học sinh DTTS; 33 trường PTDT bán trú (4 trường cấp TH, 13 trường liên cấp TH-THCS, 16 trường THCS), với 15.133 học sinh. Tỷ lệ học sinh DTTS được chăm sóc, giáo dục trong trường PTDTNT, PTDTBT đạt 16,2%.
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động của các trường PTDTNT, PTDTBT còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ giáo viên/lớp một số trường PTDT bán trú mới chuyển đổi còn thấp, không bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được quan tâm đầu tư xây dựng, mua sắm nhưng chưa đảm bảo quy định của trường PTDTNT, PTDTBT và mục tiêu Kế hoạch đề ra.
Triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) tỉnh đang đầu tư xây dựng được 29/511 phòng ở nội trú, bán trú; 5/29 nhà ăn; 9/64 công trình vệ sinh nước sạch, 33/236 phòng học, tuy nhiên hiện nay tiến độ còn chậm.
Kiến nghị tại Hội thảo, thầy Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nội trú huyện Na Hang cho biết: Hiện nay việc triển khai các hoạt động trải nghiệm theo quy định của thông tư mới khó triển khai do học sinh nội trú chủ yếu là học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường thiếu kinh phí, phụ huynh học sinh không phối hợp được thì rất khó thực hiện.
Còn cô Hà Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết: Việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 04 Quy chế tổ chưc và hoạt động của trường PTDT nội trú đã giúp địa phương tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh.
Tuy nhiên, hiện nay chế độ chính sách đối với học sinh trường PTDTNT theo Thông tư 109 đã không còn phù hợp với giá cả thị trường, cần có sự điều chính để phù hợp với giai đoạn hiện nay để chăm lo, nuôi dưỡng cho các em học sinh đầy đủ.
Cũng tại Hội thảo Bộ GD&ĐT đã triển khai khảo sát xây dựng tài liệu liên quan đến những tấm gương học sinh DTTS vượt khó vươn lên trong học tập cùng gia đình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo để kịp thời xây dựng chính sách hỗ trợ đối với các em học sinh nghèo vượt khó.