Chỉ cách đây vài tháng, khu nhà tập thể dành cho công nhân nhà máy gang thép Lào Cai luôn nhộn nhịp, đầy ắp tiếng cười nói. Tuy nhiên, hiện khu tập thể này đìu hiu, vắng lặng và không có bảo vệ trông coi. Qua tìm hiểu của phóng viên thì phần lớn số công nhân đã về quê, chỉ còn vài hộ gia đình lưu lại sinh sống. Nhà máy đóng cửa, không có việc làm, mấy tháng nay, chị Vương Thị Liên và gia đình chật vật mưu sinh để cố gắng bám trụ chờ ngày nhà máy hoạt động trở lại.
“Ai nhờ công việc hoặc thuê làm gì tôi cũng nhận, tuy nhiên, công việc cũng chẳng có thường xuyên. Đi làm công nhật bữa có bữa không nhưng tôi vẫn cố gắng làm sao để có thu nhập trang trải cuộc sống, lo cho hai cháu ăn học. Thiếu thốn thì cứ đi vay mọi người, người nọ, người kia xong đi làm lại trả…”, chị Liên tâm sự.
Cuộc sống thường ngày khó khăn đã đành, những ngày này khi tết cổ truyền đang đến gần, nhiều công nhân nhà máy gang thép Lào Cai như ngồi trên “đống lửa”. Công việc không có đồng nghĩa với không có thu nhập khiến cho mọi người chưa biết tính làm sao.
“Tết đến nơi rồi các con các cháu chỉ ngóng được bố mẹ mua cho bộ quần áo mới nhưng bây giờ lương mấy tháng nay thì không có. Tiền ăn còn chạy vạy hàng ngày thì lấy đâu ra để sắm sửa cho gia đình, cho các con”, chị Phan Thị Luyến nhà ở thị trấn Tằng Loỏng buồn rầu cho biết.
Cũng có những công nhân do không thể kiên nhẫn ngồi chờ nhà máy hoạt động trở lại đành chấp nhận bỏ việc để chuyển hướng tìm công việc mới khác ổn định hơn. Đáng buồn hơn, không ít người rơi vào bẫy “sốt giá ảo” của thị trường bất động sản, do chưa có kinh nghiệm dẫn đến tình trạng vừa mất vốn lại vừa phải trả lãi ngân hàng.
“Công việc nhà máy không đều nên em cũng nghỉ, mấy anh em hội nhóm rủ làm chung với nhau vì thời gian đấy đất đang sốt. Bây giờ thị trường đóng băng, đất thì không bán được mà tiền vốn đổ cả vào đấy, hàng tháng vẫn phải trả lãi ngân hàng nên càng khó khăn. Bây giờ chấp nhận chịu lỗ để bán nhưng cũng khó tìm người mua; tình hình này chưa biết sẽ ra sao…”, anh Phạm Ngọc Thành, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng cho biết.
Phần lớn công nhân của nhà máy gang thép Lào Cai sau khi nghỉ việc rất khó để xin được một công việc mới thay thế. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm cuối năm, thị trường tuyển dụng việc làm cũng không còn sôi động do các công ty, đơn vị sản xuất kinh doanh ít có nhu cầu tuyển lao động mới.
“Nhà máy đóng cửa, bây giờ ở nhà cũng chỉ có làm vườn, trông con nhỏ. Công việc trước đây của tôi ở nhà máy là làm phân tích hóa, hóa học. Đây là công việc đặc thù, chính vì vậy rất khó tìm được công việc phù hợp do nhu cầu thị trường việc làm về ngành nghề này rất ít”, anh Đào Duy Khiêm, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng chia sẻ.
Theo cam kết từ phía nhà máy gang thép Lào Cai, những công nhân nghỉ việc sẽ được hưởng mức lương tối thiểu hàng tháng. Thế nhưng, qua tìm hiểu thì từ tháng 03/2022 đến nay, người lao động vẫn chưa được nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào. Thậm chí, ngay cả tiền bảo hiểm doanh nghiệp nợ người lao động tính đến nay đã lên tới hơn 20 tỷ đồng./.