Nhiều ý kiến bạn đọc bày tỏ bức xúc
Sau khi đọc bài viết của Báo Dân tộc và Phát triển, nhiều bạn đọc đã bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội. Bạn đọc Nhi Phạm nhận xét : “Chỉ nhìn hình ảnh thôi là em thấy chóng mặt, vì tưởng tượng nhà sàn người Thái mà úp ngược như vậy thì tưởng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Vì thế em không đồng tình khi thiết kế nhà sàn úp ngược. Kiến trúc nhà sàn là của người Thái, là nét riêng độc đáo của người Thái”.
Bạn đọc có tài khoản Hồng Chung Nhà Sàn thì viết: “Ngược với sự trường tồn ngàn năm của ngôi nhà sàn truyền thống cân bằng vững chãi. Ngôi nhà sàn ngược chỉ có thể ghi nhận và xảy ra khi ông trời nổi giận, mưa to núi lở lốc cuốn thì ngôi nhà mới có thể “chổng vó”lên trời”.
Bạn đọc Hoạt Vy Vy nhận xét: “Không riêng người Thái mà có lẽ nhiều tộc người khác cũng không chấp nhận mái nhà úp ngược. Đề nghị các cấp, ngành chức năng xem xét một cách nghiêm túc, kịp thời sửa đổi thiết kế cho phù hợp, loại bỏ thiết kế “nhà sàn lộn ngược”.
Cần minh bạch thông tin
Sau khi báo đăng tải, chúng tôi cũng đã liên hệ với chủ đầu tư. Đại diện truyền thông của Tập đoàn Apec cho biết: “Về hạng mục nhà sàn úp ngược, trong quá trình thực hiện phía chủ đầu tư cũng lắng nghe ý kiến từ các bên và người dân dể có sự điều chỉnh cho phù hợp. Concept nhà sàn úp ngược đã được thay đổi sang concept khác, dự kiến là "Tháp vọng cảnh”.
Ý tưởng concept này, chủ đầu tư cũng gửi ảnh kèm theo.
Để xác minh thông tin này, phóng viên liên hệ với lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, chúng tôi rất ngạc nhiên trước câu trả lời của lãnh đạo Sở Xây dựng. Cụ thể, khi phóng viên gửi hình ảnh “Tháp vọng cảnh” mà chủ đầu tư dự định thay thế công trình nhà sàn úp ngược, thì ông Nguyễn Lâm Thắng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hình ảnh này không có trong hồ sơ trình thẩm định phê duyệt. Hơn nữa, công trình “nhà sàn úp ngược” cũng không có trong hồ sơ này.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi liên hệ lại với chủ đầu tư đề nghị cung cấp quyết định sửa đổi dự án. Tuy nhiên, phía đại diện truyền thông của Tập đoàn Apec lại trả lời rằng: “Đây là hạng mục lõi cảnh quan của dự án, việc thực hiện lõi cảnh quan này không liên quan đến việc cấp phép, mà chủ đầu tư có thể chủ động thay đổi”.
Câu hỏi đặt ra là liệu một công trình nằm trong lõi dự án, khi tiến hành xây dựng và điều chỉnh, chủ đầu tư có quyền chủ động làm mà không cần phải xin ý kiến của chính quyền, cơ quan quản lý hay không?
Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục liên hệ với ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái thì được ông Tuấn trả lời: “Xây dựng công trình gì cũng phải được cấp phép chứ!”
Như vậy, nếu hạng mục “nhà sàn úp ngược” thực sự được điều chỉnh là một việc rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, dư luận cũng đang yêu cầu, chủ đầu tư cần phải có những cam kết minh bạch rõ ràng và tuân theo trình tự pháp luật trong quá trình điều chỉnh các hạng mục trong lõi dự án. Có như vậy, chính quyền địa phương và người dân mới có thể giám sát được công trình xây dựng trong không gian văn hóa của mình trên thực tiễn; chứ không phải chỉ là trên giấy.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ theo dõi vụ việc và thông tin tới bạn đọc!