Tiên phong với mô hình cam sạch
Mối duyên với nông nghiệp của chị Na đến từ hơn 7 năm trước, khi cô bỏ công việc ổn định tại một tập đoàn lớn ở Hà Nội, trở về quê nhà Nghệ An, tiếp quản vườn cam của cha mẹ ở xã Minh Hợp, huyện miền núi Quỳ Hợp.
Na kể: Ý tưởng về việc trồng cam không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu bắt đầu như thế. Khó khăn lớn nhất mà mình vấp phải khi ấy là chưa từng có mô hình trồng cam nào không sử dụng phân bón hóa học, không phun thuốc trừ sâu, nên chẳng biết lấy kinh nghiệm ở đâu rồi bắt đầu như thế nào. Nhiều người biết chuyện đã phản đối, nói sẽ thất bại. Mình mặc kệ, không thử làm sao biết có thành công hay không.
Về quê Quỳ Hợp, thấy người dân trồng cam rất dễ, bán lại được giá, trong đầu Na chợt lóe lên: Hay là mình cũng trồng cam. Nhưng trồng bằng cách nào, chẳng lẽ cũng theo quy trình truyền thống của bà con? Trong khi người tiêu dùng đang hướng đến sản phẩm nông nghiệp sạch tự nhiên?...
Sợ “ôm” không nổi, Na thuê hẳn hai kỹ sư từng tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I và một người có kinh nghiệm làm vườn lâu năm cùng thực hiện. Đầu năm 2015, người dân xã Minh Hợp được phen tròn mắt khi Na vay mượn mua hẳn 2ha đất đồi thực hiện mô hình trồng cam sinh thái dùng chế phẩm sinh học.
“Học lỏm” được từ sách, báo, mạng intener... Na và các kỹ sư đã mất hàng tháng chuẩn bị giống, tự chế phân bón, chế phẩm trừ sâu bệnh và chọn hai giống cam Xã Đoài và Đường Canh để trồng.
Để có phân bón, những người chủ vườn cam đã dùng vỏ trấu ủ thành phân, mua phân bò về ủ kết hợp phân xanh, rơm, rạ... Còn phòng bệnh, họ dùng chế phẩm sinh học là dung dịch tỏi ớt để phun trừ rầy, nước cây bồ hòn để trừ sâu vẻ bùa, tro bếp trừ sâu đục thân.... Ngoài ra, Na và các kỹ sư đã cho trồng cây dẫn dụ, hoặc xen canh cây khác để giãn sâu bệnh, như cây ổi trừ rầy chổng cánh, trồng hàng rào sinh thái để ngăn sâu bệnh của các vườn cam xung quanh tràn sang.
Thăm vườn cam lúc lỉu vàng ruộm của Na, chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trên mỗi gốc cam sinh thái, Na đánh mã số vị trí, hàng, loại cây và được nhập vào phần mềm máy tính để thuận lợi trong theo dõi quy trình chăm sóc, khoanh vùng sâu bệnh.
“Chủ trì” 2ha, Na đầu tư hẳn hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước. Còn 50ha phối hợp cùng các chủ vườn ở xung quanh, được Na yêu cầu sản xuất theo quy chuẩn nghiêm ngặt của mô hình cam sinh thái. Rồi Na hào hứng: Tất cả quả cam, được chúng tôi chế biến với rất nhiều dòng sản phẩm rất hút khách và thường “cháy hàng”.
Những sản phẩm từ cam
Cam sau khi thu hoạch được tiêu thụ qua các siêu thị, cửa hàng… riêng những quả bầm dập trong quá trình thu hái; hay quả nám, quả có lỗi, quả xấu lại không thể xuất bán. Làm thế nào với những sản phẩm này, để ăn thì không hết, chẳng lẽ đổ bỏ. Trăn trở với điều này, thế rồi Na đã học theo một chương trình trên truyền hình về chế biến mứt bưởi bằng chính cam của nông trại mình.
Với loại mứt từ vỏ cam, Na hướng dẫn người làm công xắt vỏ thành sợi, rửa sạch, luộc qua 3 lần, để ráo rồi ướp đường sấy khô. Còn mứt nước, Na lấy ruột cam xay nhuyễn, ép lấy nước, pha chế thêm đường và mật ong rồi cô đặc lại. Ngoài ra, vỏ cam cũng được phơi khô, xay nhỏ dùng làm nhân bánh rất ngon; rượu ngâm cam. chế xà bông bằng nước cam và sáp ong cô đặc...
Hiện tại, cam tại nông trại của Lê Na với thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến đã được hãng bia nổi tiếng Heineken thu mua để chế biến bia mang hượng vị loại quả này. “Mẻ” bia Heineken đầu tiên với dòng sản phẩm Tiger Platinum Wheat Lager có hương vị cam, đã chính thức cháy hàng từ cuối tháng 10/2021. Đây là loại bia lúa mì thoảng hương vỏ cam, mà nguyên liệu vỏ cam được đặt hàng từ một startup miền núi tỉnh Nghệ An - Cam Vinh Kỳ Yến.
Lê Na bộc bạch: Nông sản Việt Nam mình có nhiều thứ rất giá trị mà, như này đỡ phải nhập khẩu, đỡ phải đi xa, chờ đợi, còn đỡ ảnh hưởng môi trường mà ủng hộ cho nông dân Việt Nam mình.
Cơ duyên mà Na đến với Heineken vào khoảng cuối năm 2019, khi một người phụ trách thu mua của hãng bia này liên hệ tìm nguồn vỏ cam, chanh, bưởi… và một số loại trái cây có múi khác để thử nghiệm sản phẩm mới. Phải mất hơn 1 năm trời thử nghiệm, xét nghiệm, đánh giá nhà xưởng và vùng nguyên liệu, hợp đồng đối tác giữa một startup trồng cam và một ông lớn FDI mới được chính thức ký kết.
Na tâm sự: Ngay ban đầu, Heineken hỏi rất nhiều thông tin từ Cam Vinh Kỳ Yến, như: Tính pháp lý của công ty? Đã từng cung cấp nguyên liệu cho các đối tác nhà máy lớn nào chưa? Có chứng chỉ, chứng nhận hay có các tiêu chuẩn, xét nghiệm gì chưa?… May mắn là Cam Vinh Kỳ Yến dù nhỏ, ở vùng miền núi xa xôi, nhưng lại rất quan tâm và đã thực hiện nhiều vấn đề mà phía Heineken đề cập đến ngay từ khi thành lập doanh nghiệp.
Rồi Na nói tiếp: Trước đó, bên mình cũng cung cấp mứt vỏ cam và bột vỏ cam làm nguyên liệu chế biến đầu vào cho một số đơn vị làm mỹ phẩm hữu cơ, cũng như nhà máy thực phẩm, nên đã có khá nhiều kết quả xét nghiệm, kiểm nghiệm, các thông số tiêu chuẩn sản phẩm, quy trình sản xuất, kể cả những bản khai về việc không sử dụng nguyên liệu từ động vật như trứng, sữa hay mật ong… Khá nhiều thứ nhỏ nhặt, mình cũng đều show hết cho phía đối tác.
Trước khi quyết định nhập số lượng lớn hơn cho mẻ sản xuất thử lô thương mại đầu tiên, Heineken bắt đầu quá trình hướng dẫn để bên Cam Vinh Kỳ Yến có thể hoàn thiện quy trình, phương thức làm việc và kiểm soát chất lượng nguyên liệu cùng nhau.
Với lô hàng thử nghiệm, phía Cam Vinh Kỳ Yến sử dụng hơn 12 tấn cam tươi để sản xuất cho Heineken. Không ngờ sản phẩm bán chạy, Heineken đã tổ chức họp để đặt gấp tiếp 1 lô trong năm 2021 giao vào đầu tháng 12. Hiện Na đã ký hợp đồng bán cam với Heineken để làm nguyên liệu sản xuất bia.
Mải nói chuyện với tôi, như sực nhớ ra, Lê Na cười: "Em cũng đã biết mặt mũi lon bia Heineken với dòng Tiger Platinum có hương vị cam như thế nào đâu. Khi chị chuyên gia phụ trách bên đó bảo là ngon lắm, nó là dòng bia trắng và bên Heineken đã nghiên cứu để nó phù hợp với khẩu vị người Việt nên hương vị rất tuyệt vời khiến em sung sướng, mừng đến phát khóc!"./.