Nhiều hình thức tuyên truyền
Tại xã Giáo Hiệu (huyện Pác Nặm), trong tháng 4/2021, bằng hình thức sân khấu hóa, Ban Dân tộc phối hợp cùng Tỉnh đoàn Bắc Kạn đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống theo Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2021-2025”.
Em Hoàng Thị Nguyệt, học sinh lớp 8, Trường THCS Giáo Hiệu, cho biết: “Được xem các tiểu phẩm với những câu chuyện cụ thể về hệ luỵ của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, em hiểu rõ hơn về những tác hại, từ nay em sẽ tìm hiểu và trang bị kiến thức để bảo vệ bản thân hơn".
Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Ban Tổ chức đã tuyên truyền đến người dân, các em học sinh các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, thông tin về thực trạng, hậu quả, tác hại, hệ lụy của vấn nạn này. Đồng thời, chiếu các video clip về thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các hệ lụy để có tác động trực quan”.
Ngoài ra, những tháng đầu năm 2021, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã phối hợp với Tỉnh đoàn Bắc Kạn, tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp và gián tiếp qua phóng sự, thi ghép tranh, thi kiến thức và tiểu phẩm tại Trường Tiểu học và THCS Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể cho hằng trăm học sinh và phụ huynh.
"Được tham gia và xem các tiểu phẩm, em nhận thấy, bản thân cần chung tay phòng chống nạn tảo hôn bằng cách tự trang bị kiến thức cho mình, tự nâng cao nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, em Ma Thị Nguyệt, học sinh lớp 9 Trường Tiểu học và THCS Hoàng Trĩ, chia sẻ
Theo bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tại các địa phương, ban tổ chức đã chủ động áp dụng hình thức sân khấu hóa, lồng ghép nội dung tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong các tiểu phẩm, các câu chuyện để người xem dễ hiểu, dễ tiếp thu.
Một số nơi còn thực hiện tuyên truyền bằng tiếng đồng bào Mông, Dao; đặc biệt hướng tới đối tượng là thanh, thiếu niên, học sinh. Đồng thời, chú trọng việc cung cấp kiến thức cho phụ huynh, bởi thực tế cho thấy, nhiều trường hợp tảo hôn có nguyên nhân do sự ép buộc của gia đình.
Phát huy vai trò tham mưu và tổ chức thực hiện
Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho thấy, thời gian qua, Ban Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, kế hoạch năm 2021; quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh, đơn vị đã ban hành Kế hoạch chi tiết thực hiện năm 2021 và quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xã, Nhóm nòng cốt thực hiện 11 mô hình điểm về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các địa phương tập trung chủ yếu là đồng bào Mông, Dao như, huyện Pác Nặm; các xã Bình Trung, Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn); xã Văn Vũ, Lượng Thượng (huyện Na Rì) các xã Cốc Đán, Thượng Quan (huyện Ngân Sơn).
Ban Dân tộc đã triển khai kịp thời, đầy đủ các nội dung hoạt động tại các mô hình điểm theo kế hoạch: Biên soạn và phát hành bản tin “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS” phát hành định kỳ hằng tháng; phối hợp với Tỉnh đoàn Bắc Kạn tổ chức 02 cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ban Dân tộc đã Tổ chức biên soạn và phát hành 615 cuốn Bản tin công tác dân tộc năm 2021, cấp phát đến toàn bộ các thôn ĐBKK trên địa bàn tỉnh.
“Với những đổi mới trong công tác tuyên truyền, sự vào cuộc đồng bộ của nhiều sở, ngành, tổ chức, đoàn thể và chính quyền địa phương, chúng tôi đang hy vọng, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh sẽ sớm được đẩy lùi”, bà Triệu Thị Thu Phương bày tỏ.