Ông có thể chia sẻ khái quát về tình hình đời sống của đồng DTTS trên địa bàn tỉnh Yên Bái?
Ông Trần Xuân Thủy: Yên Bái là tỉnh miền núi thuộc vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, dân số gần 85 vạn người, có trên 30 dân tộc cùng chung sống, DTTS chiếm 57,3%, gồm các dân tộc: Tày, Mông, Dao, Thái, Mường, Nùng, Cao Lan, Sán Chay, Khơ Mú, Hoa, Phù lá...). Đồng bào DTTS theo các tôn giáo chiếm gầm 25% trong tổng số hơn 80.000 tín đồ trong tỉnh.
Toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính, cấp huyện gồm 7 huyện, 01 thị xã, 01 thành phố (trong đố 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải nằm trong số các huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước theo Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đồng bào Mông chiếm trên 90%); có 173 xã phường, thị trấn với 1.356 thôn, bản, tổ dân phố; trong đó có 59 xã, 382 thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung ưu tiên đầu tư phát triển phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, song so với mặt bằng chung của tỉnh, tình hình KT-XH ở vùng đồng bào DTTS số vẫn còn khó khăn. Khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và thụ hưởng các dịch vụ xã hội so với các vùng miền khác còn khá lớn và chậm được rút ngắn.
Đồng bào các DTTS trên địa bàn được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức thấp so với bình quân chung cả nước; đến cuối năm 2022 số hộ nghèo toàn tỉnh còn 28.443 hộ, chiếm tỷ lệ 12,92%, trong đó số hộ nghèo DTTS là 24.693 hộ, chiếm tỷ lệ 86,81% trong tổng số hộ nghèo.
Tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS cơ bản ổn định, không có điểm nóng. Công tác chống buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, chống tái trồng cây thuốc phiện được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo luôn được đảm bảo.
Xin ông cho biết về những kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Yên Bái?
Ông Trần Xuân Thủy: Xuất phát từ điều kiện tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, có đông đồng bào DTTS sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, do đó, trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và các chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái có tổng vốn đầu tư là 1.384.658 triệu đồng. Giai đoạn 2021 -2023, Yên Bái dành nguồn vốn đầu tư phát triển là 703.323 triệu đồng (kế hoạch vốn năm 2022 là 259.623 triệu đồng; kế hoạch năm 2023 là 343.434 triệu đồng). Vốn ngân sách địa phương đối ứng 100.266 triệu đồng (kế hoạch vốn năm 2022 là 20.339 triệu đồng, kế hoạch vốn năm 2023 là 79.927 triệu đồng). Đối với nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2023 là 592.446 triệu đồng.
Theo đó, tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện đồng bộ 09 dự án Chương trình MTQG 1719, tất cả các dự án đều đã phát huy hiệu quả ngay trong năm đầu tiên tổ chức, triển khai thực hiện, đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào DTTS.
Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS&MN giảm bình quân 7,66% (so với mục tiêu Trung ương giao vượt 2,66%), trong đó huyện Mù Cang Chải giảm 8,51%, huyện Trạm Tấu giảm 6,95%. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 100%, đạt mục tiêu của Chương trình.
Số xã ra khỏi địa bàn ĐBKK là 14/28 xã, đạt 46,42% so với mục tiêu Trung ương giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022; đạt 23,7% so với mục tiêu Chương trình 50% của 59 xã. Số thôn ra khỏi địa bàn ĐBKK là 25/27 thôn (thuộc xã khu vực I, II), đạt 92,5% so với mục tiêu Trung ương giao tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022; đạt 45,4% so với mục tiêu Chương trình 50% của 55 thôn.
Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 97,6/99% mục tiêu Chương trình. Tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,5/90% vượt mục tiêu Chương trình (vượt 3,5%). Tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình và tỷ lệ đồng bào DTTS được nghe đài phát thanh đạt 99,4/100% mục tiêu Chương trình….
Có thể nói, việc triển khai, thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần từng bước cải thiện đời sống đồng bào dân tộc, trong đó vấn đề nhà ở, hạ tầng phục vụ dân sinh đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng; chất lượng cuộc sống được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm; hệ thống lưới điện được đầu tư; không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống; học sinh được đến trường đúng độ tuổi; tình hình an ninh trật tự được kiểm soát tốt…
Là cơ quan tham mưu cho Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Yên Bái, Ban Dân tộc tỉnh đã có những đề xuất gì để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn?
Ông Trần Xuân Thủy: Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719, tập thể lãnh đạo Ban Dân tộc đã sát sao chỉ đạo đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức toàn ngành tập trung nghiên cứu, tham mưu, chủ trì và phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao kịp thời, hiệu quả. Ngoài việc thực hiện quy định, Ban Dân tộc đã chủ động phối hợp các ngành:
Tham mưu cho UBND tỉnh trình BTV Tỉnh ủy ban hành Đề án số 17-ĐA/TU về việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xuất cảnh trái phép ở vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025. Tham mưu giao rõ ràng cụ thể từng công việc, nguồn kinh phí, chỉ tiêu phấn đấu thực hiện cho các ngành, huyện, thị và đưa vào vào Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh để thống nhất thực hiện.
Tiến hành rà soát và chỉ đạo thực hiện các chế độ, chính sách trên địa bàn các xã, thôn ĐBKK vùng DTTS&MN chịu tác động bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025.
Đây chính là cơ sở để mỗi cấp, mỗi ngành chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị.
Được biết, trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình MTQG 1719, tỉnh Yên Bái đã huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Xin ông nói rõ vấn đề trên?
Trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, tỉnh Yên Bái đã tuyên truyền, vận động, huy động sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân, tạo thành phong trào lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ tại các địa phương trong việc tự nguyện hiến đất, hiến cây cối, hoa mầu, vật kiến trúc để có mặt bằng xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng xây dựng nông thôn mới. Với nhiều cách làm hay, linh hoạt, sáng tạo như: kiên trì tuyên truyền, thuyết phục; lấy hộ dễ làm trước, thuyết phục hộ khó làm sau; phân công cụ thể cho từng đoàn thể vận động hội, đoàn viên trong gia đình.
Việc tự nguyện giải phóng mặt bằng đã trở thành biểu tượng, hình ảnh tốt đẹp trong chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương, thể hiện rõ vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp...
Có thể nói, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đã lan tỏa, phát huy được tinh thần đại đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường vượt khó vươn lên của đồng bào DTTS, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, nhờ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Xin trân trọng cảm ơn ông!