Những sắc màu thổ cẩm
Hoa Tiến là bản người Thái cổ ở xã Châu Tiến (Quỳ Châu). Lịch sử vùng đất cùng với phong tục, tập quán truyền đời đã là điều kiện không thể tốt hơn để nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến hình thành. Nhiều tài liệu nói rằng, bản Hoa Tiến là cái nôi nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở xứ Nghệ.
Những người già ở bản Hoa Tiến chẳng nhớ nổi nghề dệt thổ cẩm có tự bao giờ. Bà Sầm Thị Bích, 60 tuổi cho biết: Tôi lớn lên đã thấy bà tôi ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm rồi. Bà tôi nói rằng, nghề dệt của bản có từ hàng trăm năm trước.
Phía bên kia dòng Lam giang, người dân bản Mác xã Thạch Giám (Tương Dương) từng tràn đầy tự hào khi vẫn còn duy trì được nghề truyền thống của cha ông - nghề dệt thổ cẩm. Người Thái ở bản Mác xe lanh, dệt vải từ thuở còn thơ. Khi hãy còn là cô bé lên 10, họ đã được bà, mẹ dạy dệt vải, thêu thùa. Chất liệu thổ cẩm được lấy từ thiên nhiên, là những sợi bông, sợi lanh. Trước khi dệt, sợi được nhuộm bằng các nguyên liệu từ thiên nhiên như bùn non, cây cỏ mực, vỏ cây, nghệ, lá bàng… và có hoa văn rất đặc trưng.
Chị Lương Thị Lan, một nghệ nhân dệt vải ở bản Mác khẳng định: Hoa văn trên thổ cẩm người Thái ở bản Mác không giống bất cứ hoa văn của dân tộc nào, thổ cẩm bản Mác mặc vừa mềm, vừa ấm, nhưng rất thoáng, khác hẳn với thổ cẩm của một số dân tộc khác.
Tôi đã đi qua phần nhiều bản làng nơi miền Tây Nghệ An và nhận thấy rằng, dưới mỗi nếp nhà sàn người Thái, là những bộ khung cửi còn dệt dang dở. Và xung quanh, cơ man nào là những cuộn lanh, cuộn vải đủ màu nằm ngổn ngang. Những vật dụng hàng ngày từ tấm váy, chiếc khăn, cái chăn… đã được dệt nên bằng những tháng ngày cần mẫn, chắt chiu…
Sản phẩm dệt thổ cẩm được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống với những tấm vải đủ mầu sắc, hoa văn mang đậm giá trị bản sắc dân tộc. Các mẫu mã được lấy nguồn từ cuộc sống và cách điệu tạo nên những hoa văn sặc sỡ, công phu, giàu tính sáng tạo thông qua những đường nét trên các trang phục.
Dù vất vả với nương rẫy, nhưng khi có thời gian rỗi, phụ nữ Thái lại miệt mài bên khung cửi. Có lẽ vì vậy mà, mỗi đường nét hoa văn, mỗi gam màu phối trộn dường như còn thấm đượm tình yêu lao động, yêu quê hương.
Trên chất liệu mềm, mát, mượt của những sản phẩm thổ cẩm, không khó nhận ra màu xanh của cây rừng, màu hồng, màu đỏ của những cánh hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời... ở từng khuôn vải. Những sản phẩm thủ công, đủ hoa văn, mang đậm sắc màu đã như một phần không thể tách rời trong cuộc sống thường ngày của một dân tộc, của lịch sử một vùng đất nơi non cao.
Tôi còn được nghe các bà, các mẹ người Thái cho biết, tính cách và tuổi tác được thể hiện rất rõ trên những sản phẩm thổ cẩm. Những cô gái đang yêu thường thể hiện tình cảm của mình bằng những gam màu sáng chủ đạo, còn những phụ nữ lớn tuổi thì thiên về những gam màu trầm, những đường nét rắn rỏi và đậm chất suy tư.
Để thổ cẩm vươn xa
Theo thời gian, đã có lúc nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Thái nơi miền Tây xứ Nghệ bị mai một, đứng trước nguy cơ “xóa sổ”. Một vấn đề được đặt ra là phải phục dựng và phát triển nghề mới có cơ hội để thổ cẩm “cất cánh”.
Trăn trở về nghề truyền thống đã không còn là nỗi băn khoăn của đồng bào Thái, mà còn là nỗi lo lắng của các cấp chính quyền ở Nghệ An. Gìn giữ và vực dậy nghề thổ cẩm đã trở thành mục tiêu, động lực, trách nhiệm suốt nhiều năm qua ở xứ Nghệ.
Ngay như bản Hoa Tiến, phải đến năm 2009, khi UBND tỉnh công nhận làng nghề dệt thổ cẩm bản Hoa Tiến, và năm 2010, Hợp tác xã làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến được thành lập… thì nghề dệt nơi đây mới có cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Và rồi, sau rất nhiều cố gắng, sản phẩm thổ cẩm ở Hoa Tiến đã vượt núi, vượt rừng đến với thị hiếu trời Tây. Những khách hàng khó tính ở Pháp, Anh, Đức, Nhật, Australia… cũng đã phải thốt lên đầy ngạc nhiên về chất lượng, mẫu mã của những sản phẩm thổ cẩm thủ công. Ngoài sản phẩm truyền thống, bà con còn sáng tạo thêm sản phầm: dày dép, khẩu trang, gấu bông…; kết hợp với mô hình du lịch cộng đồng khiến cho thổ cẩm càng thêm có đất sống.
Nhiều bản làng nơi miền Tây xứ Nghệ cũng thành lập các câu lạc bộ, tổ, nhóm có chung đam mê nghề dệt thổ cẩm. Tại bản Bồng, xã Thành Sơn (Anh Sơn), để vực dậy nghề thổ cẩm, đầu năm 2017, Hội LHPN xã đã phối hợp tổ chức hai lớp đào tạo nghề cho hơn 60 phụ nữ dân tộc Thái trong xã. Khi chị em đã thành thạo dệt, thêu thổ cẩm, đầu năm 2018, Hội LHPN xã đã thành lập CLB dệt thổ cẩm với hơn 20 thành viên. Thu nhập mỗi thành viên nay đã đạt từ 500-1 triệu đồng/tháng.
Từ năm 2012, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, những khung cửi đã rộn ràng trở lại, làng nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở bản Na Loi, xã Na Loi (Kỳ Sơn) cũng đã phục hồi. Đến ngày 8/11/2021, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận Làng nghề dệt thổ cẩm bản Na Loi, xã Na Loi.
Hiện nay, bản Na Loi có 88 hộ gia đình tham gia làm nghề dệt thổ cẩm. Thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm của bản Na Loi trong 2 năm liên tiếp gần đây đều đạt trên 2,3 tỷ đồng. Các sản phẩm được xuất bán đi các cụm bản phía nước bạn Lào.
Theo bà Vi Thị Lan, bản Na Loi, nghề dệt thổ cẩm của bản làng được phục hồi trở lại đã tạo công ăn việc làm cho người dân, có thêm thu nhập, cuộc sống ổn định hơn trước rất nhiều.
Phục hồi nét đẹp thổ cẩm của đồng bào Thái ở Nghệ An không những góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn nâng cao đời sống tinh thần, làm tăng thu nhập, xây dựng đời sống văn hóa dân cư trên địa bàn biên giới. Để duy trì được nghề này, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm gắn với phát triển du lịch. Có như vậy, nghề dệt thổ cẩm mới được lưu truyền, góp phần gìn giữ nét đặc sắc trong đời sống của cộng đồng người Thái ở miền Tây xứ Nghệ.