Theo Cục Di sản văn hóa, việc Trưng bày - Trình diễn di sản nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu ở Quảng Nam và TP. Đà Nẵng, là chương trình nằm trong khuôn khổ dự án "Mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các DTTS có di sản tương đồng" của Bộ VHTT&DL. Dự án nằm trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025.
Nằm trong khuôn khổ Dự án, trước đó Cục Di sản văn hóa đã phối hợp với địa phương nơi có di sản nghề dệt thổ cẩm truyền thống mà người Cơ Tu sinh sống ở hai xã Hòa Phú và Hòa Bắc (thuộc huyện Hòa Vang), TP. Đà Nẵng và các xã thuộc huyện Đông Giang (Quảng Nam) tổ chức các lớp tập huấn mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các DTTS có di sản tương đồng dành cho đồng bào dân tộc Cơ Tu. Qua đó, Dự án đã lựa chọn các điểm có di sản nghề dệt thổ cẩm tương đồng của đồng bào các DTTS gắn với hành trình du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng, gồm nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu ở TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Các hoạt động tại buổi Trưng bày - Trình diễn di sản nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu gồm: Chiếu phim di sản kết nối 2 cộng đồng; trưng bày hình ảnh về nghề dệt thổ cẩm của người Cơ Tu do cộng đồng tự chụp và các sản phẩm từ nghề dệt, các công cụ phục vụ cho nghề dệt; các nghệ nhân phụ nữ Cơ Tu trình diễn tại chỗ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.
Theo Cục Di sản văn hóa, sau khi kết thúc trưng bày, toàn bộ hình ảnh và phim của Dự án cũng như một dải thổ cẩm lớn sẽ được tặng, bàn giao cho Bảo tàng Quảng Nam quản lý, tiếp tục khai thác để trưng bày giới thiệu quảng bá cho khách tham quan tại Bảo tàng.