Hàng năm, bà con ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An), cần đến hàng trăm tấn rễ hương để sản xuất hương trầm. Mà chỉ rễ hương Quỳ Châu mới làm nên đặc sản hương trầm nức tiếng. Trong lúc đó, nguồn rễ hương từ rừng đã cạn kiệt.
Một số hộ dân cũng đã tự trồng cây rễ hương trong vườn nhà để chủ động nguồn nguyên liệu, nhưng do tự phát, manh mún nên sản lượng ít, chất lượng chưa cao. Vả lại, đất sản xuất của huyện này không nhiều nên diện tích cây rễ hương tự trồng cũng không đáng kể.
Từ thực tế đó, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳ Châu đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An xây dựng đề tài “Hỗ trợ mô hình trồng cây rễ hương dưới tán cây rừng”. Với đề tài này, các nhà quản lí mong đợi hiệu quả từ việc sử dụng hiệu quả đất lâm nghiệp, đồng thời cung cấp đủ nguyên liệu để phát triển nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu.
6 ha đầu tiên thuộc 4 hộ gia đình ở các bản Khe Hán, Bù Sen và Kha Bấn đã được lựa chọn để thực hiện mô hình này. Sau 18 tháng trồng thử nghiệm, mô hình đã mang lại kết quả rất tốt.
Trung bình mỗi ha thu hoạch được 4.500 kg rễ hương tươi/vụ. Với giá bán hiện tại là 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí (bao gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công, máy móc, thiết bị) sẽ cho lãi ròng gần 50 triệu đồng. Bà con đều rất phấn khởi từ hiệu quả của mô hình này mang lại.
Và, quan trọng hơn là việc làm này, đã giải quyết được tình trạng khan hiếm nguyên liệu, chấm dứt việc mua rễ hương trôi nổi, không đạt chất lượng. Ngoài ra, trồng cây rễ hương dưới tán rừng đã có tác dụng chống xói mòn, rửa trôi bề mặt, duy trì độ ẩm cho đất, đồng thời góp phần hạn chế được nạn phá rừng…
Đến nay, trên địa bàn huyện Quỳ Châu đã có gần 100 ha cây rễ hương được trồng dưới tán rừng. Nhiều nhất là các xã như Châu Thuận. Châu Hoàn, Châu Hội, Châu Bình…
Ông Lang Anh Minh, ở xã Châu Hội, hồ hởi nói: “Nhà tôi trồng gần 2 ha cây rễ hương, sau một năm cho thu hoạch, trừ chi phí đầu tư giống, phân bón, lãi cũng được trên 100 triệu đồng. Xã tôi đã có nhiều hộ chuyên trồng cây rễ hương để cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất hương trầm trong huyện. Ngoài ra, thương lái từ Hà Tĩnh, Thanh Hoá cũng tìm đến mua nhiều lắm. Nhờ cây rễ hương bà con chúng tôi đã thoát nghèo, nhiều gia đình đã có thu nhập cao”.
Từ phong trào trồng cây rễ hương dưới tán cây rừng, nhiều hộ gia đình cũng đã biến những vùng đồi trọc thành “rừng” rễ hương. Thậm chí một số xã đã xác định rễ hương là cây chủ lực nhằm xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, cho đến nay không phải hộ dân nào cũng đã nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhất là áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong việc trồng cây rễ hương.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, cùng với sắn, bạch đàn…cây rễ hương cũng là loại gây thoái hoá đất mạnh. Vì thế ngoài việc nắm vững kỹ thuật, phương pháp xen canh, hoán đổi cây trồng…,thì công tác quy hoạch vùng nguyên liệu cũng rất quan trọng. Trước mắt, việc quan tâm đến kỹ thuật trồng, chăm sóc đối với loại cây này cần được sự hướng dẫn kịp thời của ngành nông nghiệp các cấp. Với việc nhân rộng đại trà trên diện tích lớn, nên người dân cần tuân thủ các giải pháp kỹ thuật, tránh nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng xảy ra.
Ông Hà Văn Khương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quỳ Châu, cho biết: Cây rễ hương đã đem lại thu nhập cho người dân khá cao so với trồng các loại cây khác. Nó không chỉ tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao đời sống, mà còn đảm bảo tính bền vững cho nghề hương trầm Quỳ Châu. Về phía Trung tâm, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, hạn chế thấp nhất những rủi ro, bất cập từ việc trồng cây rễ hương.