Theo dự thảo báo cáo khả thi hạng mục "Đầu tư cho vùng trồng dược liệu”, đến năm 2025, bước đầu hình thành hệ thống “chuỗi giá trị” phát triển dược liệu quý vùng DTTS & MN góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm dược liệu và tăng thu nhập cho đồng bào DTTS trong khu vực triển khai dự án gấp hai lần so với thời điểm trước khi triển khai dự án. Tăng thu nhập ngân sách của các huyện nghèo triển khai mô hình thí điểm góp phần giảm tỷ lệ nghèo các huyện này xuống khoảng 2- 3%/năm. Hình thành ý thức nuôi, trồng dược liệu theo “chuỗi giá trị”, đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng, ý thức bảo tồn nguồn gien dược liệu, bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Đối tượng thụ hưởng của hạng mục "Đầu tư cho vùng trồng dược liệu" là: Cá nhân, hộ gia đình người DTTS, hộ nghèo sinh sống trong vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển dược liệu quý; Thôn, bản, xã, huyện, tỉnh nơi triển khai dự án; Doanh nghiệp triển khai dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý hoặc Trung tâm giống có cam kết sử dụng tối thiểu 70% lao động là người DTTS tại chỗ (phấn đấu có ít nhất 50% lao động là nữ) và có đăng ký hoạt động ở địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN, cam kết hỗ trợ thu mua và tiêu thụ dược liệu sản xuất trong vùng.
Dự kiến, hạng mục này sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển thí điểm 17 dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý có giá trị y tế và kinh tế cao; hỗ trợ xây dựng và phát triển 04 dự án Trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ phát triển ít nhất 85 hợp tác xã vệ tinh của tối thiểu 16 dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý.
Tổng nguồn vốn để triển khai giai đoạn 2021-2025 khoảng 4.825 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 1.250 tỷ đồng; Ngân sách địa phương 175 tỷ đồng; Vốn vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội 2.000 tỷ đồng; Vốn huy động khác 1.400 tỷ đồng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến để góp phần hoàn thiện báo cáo khả thi thực hiện tiểu dự án, trong đó, phải đáp ứng mục tiêu ngắn hạn, dài hạn. Cụ thể như, phát triển dược liệu dưới tán lá rừng; phân tích yếu tố quan trọng của chuỗi giá trị để tập trung đầu tư; phát triển mô hình gắn kết y dược cổ truyền với dược liệu...
Theo ông Dương Văn Dũng, đại diện Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại một số địa phương, đồng bào trồng dược liệu vẫn còn tự phát, chất lượng chưa đạt chuẩn nên bài toán đầu ra còn khó khăn. Vì vậy cần có sự nghiên cứu đánh giá đúng, toàn diện thực trạng, tiềm năng phát triển dược liệu từng địa phương. Từ đó, xác định các loại dược liệu để phát triển của từng địa phương, đề ra phương thức, giải pháp trồng, sản xuất, tiêu thụ dược liệu.
Ông Bùi Thanh Tùng, đại diện Bộ Y tế cho rằng, cần phải đẩy mạnh truyền thông đúng, đủ về giá trị của dược liệu quý để thị trường, người dùng có kiến thức về các sản phẩm, thúc đẩy tiêu dùng đồng thời quảng bá được thương hiệu dược liệu của đồng bào. Ngoài ra, cũng cần xác định tiêu chí thế nào là dược liệu quý. Từ trước tới nay mới chỉ xác định được yếu tố “quý” về mặt y tế, còn việc cây dùng để xuất khẩu và mang lại lợi ích kinh tế cho bà con cũng cần được đánh giá...
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông khẳng định, Việt Nam có tiềm năng to lớn về phát triển dược liệu, có điều kiện để hình thành và phát triển công nghiệp dược liệu. Đặc biệt, vùng DTTS, ngoài thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp với dược liệu quý, đồng bào còn sở hữu một kho tàng kinh nghiệm quý báu về chế biến và sử dụng cây thuốc. Vì vậy, cần phát huy tiềm năng dược liệu ở vùng DTTS. Đây cũng là cơ hội cho đồng bào DTTS tăng thu nhập, thoát nghèo.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cho rằng, tuy đã có nhiều giải pháp phát triển dược liệu ở vùng DTTS&MN nhưng cần phải được thúc đẩy triển khai ở quy mô lớn, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ. Do đó, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm mong muốn nhận được sự quan tâm, đồng thuận, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai việc đầu tư, phát triển dược liệu quý tại các địa phương.