Nghỉ việc vì… cây dược liệu
Phan Xuân Diện đến với cây dược liệu như một định mệnh. Để rồi, khi đang là Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp, Phó Ban Chỉ đạo nông thôn mới (NTM) huyện, anh vẫn bỏ ngang vì… cây dược liệu. Anh Diện kể: Năm 2015, tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo phát triển cây dược liệu vùng miền Tây, lúc đó anh là Phó Trưởng phòng được cử đi dự. Sẵn có ý tưởng từ trước, lại được gợi mở từ Đề án phát triển của tỉnh, thế là bắt tay làm.
Nhiều đêm trằn trọc, Phan Xuân Diện bàn với vợ mua máy móc về chế biến. Sau khi cầm cố nhà cửa, vay mượn bạn bè, anh đánh liều mua máy móc về chế biến sản phẩm cà gai leo. Ngoài việc tham khảo ý kiến chuyên gia, học hỏi thêm từ sách vở; những kiến thức, kỹ năng từ công việc chuyên môn đã giúp anh rất nhiều trong những ngày đầu thực hiện.
Khổ nỗi, công việc của một Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp kiêm Phó Ban chỉ đạo NTM huyện cần rất nhiều thời gian, khiến cho anh không thể chuyên tâm với công việc “bất đắc dĩ” - chế biến sản phẩm cà gai leo. Và rồi, Phan Xuân Diện đã có quyết định đầy táo bạo: Nộp đơn xin nghỉ việc để chuyên tâm với trồng, chế biến cây dược liệu (tháng 7/2017). Không còn là công chức, Phan Xuân Diện chuyên tâm hơn cho công việc trồng và chế biến cây dược liệu.
Nức tiếng dược liệu Pù Mát
Tháng 5/2018, Phan Xuân Diện về xã Chi Khê, vùng đệm của Vườn quốc gia Pù Mát để thành lập Công ty CP Dược liệu Pù Mát do anh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc.
Có Công ty, có nhà xưởng chế biến nhưng để mở rộng quy mô thì trăn trở nhất của anh vẫn là vùng nguyên liệu. Anh Diện đã ký kết chặt chẽ với bà con vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát trồng cây dược liệu. Những thửa đất trước đây trồng mía, keo, ngô, thậm chí lúa… một vụ, năng suất thấp, đã được người dân chuyển sang trồng dược liệu cho Công ty CP Dược liệu Pù Mát.
Ngoài vùng nguyên liệu 4ha do Công ty tự trồng, anh Diện đã liên kết bao tiêu sản phẩm với hàng chục hộ người DTTS tại các xã Cam Lâm, Lục Dạ, Thạch Ngàn, Lạng Khê trồng gần 4ha cây dược liệu làm nguyên liệu chế biến. Công ty đã tạo việc làm ổn định cho nhiều con em đồng bào DTTS quanh vùng. Hiện, 6 công nhân kỹ thuật phụ trách tại nhà xưởng đều có trình độ đại học và là con em đồng bào DTTS, thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng. Công ty còn tạo việc làm ổn định thường xuyên cho 15 - 20 lao động cũng là người DTTS với mức thu nhập 160.000 đồng/ngày.
Từ sản phẩm trà dược liệu cà gai leo ban đầu, nay Công ty đã mở rộng thêm 3 sản phẩm khác gồm, trà dược liệu Dây thìa canh, trà dược liệu Giảo cổ lam và trà dược liệu Đinh lăng. Quy mô nhà xưởng cũng được đầu tư thêm nhiều máy móc hiện đại, trị giá gần 10 tỷ đồng.
Cả 4 loại sản phẩm của Công ty đều được khách hàng đón nhận và hiện có mặt khắp tỉnh Nghệ An và đã vươn đến Hà Nội, Thanh Hóa, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh… được người tiêu dùng phản hồi tích cực.
“Tất cả sản phẩm đều được sản xuất theo quy trình VietGAP, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Ngoài sản phẩm túi lọc, tôi đang dự định sản xuất sản phẩm cao và bột hòa tan, xa hơn là nước uống dược liệu đóng chai nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho người sử dụng. Khi ấy, vùng nguyên liệu chắc chắn sẽ mở rộng thêm 5 - 10ha”, anh Diện chia sẻ về dự định trong thời gian tới.