“Cứ về quê là tự tin”
Thắm may mắn hơn chúng bạn, được về thành phố Vinh học phổ thông – trường nội trú của tỉnh. Cô gái người Thái ấy lại rất đam mê tiếng Anh, bằng mọi giá phải học tốt tiếng Anh. Thắm chia sẻ: Ở quê em, không mấy ai được học tiếng Anh nên em quyết tâm học bằng được và học giỏi. Thú thực, hồi đó học là để thỏa đam mê, thứ hai là em cũng có một ước mơ nho nhỏ, trẻ em người dân tộc quê mình phải biết tiếng Anh để mở rộng tầm nhìn, giao lưu rộng rãi, có thêm kiến thức để làm chủ cuộc đời.
Và Vi Thị Thắm đã thi đậu vào Trường Đại học sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Tốt nghiệp, Thắm được tuyển vào Dự án Phát triển nông thôn miền Tây Nghệ An của Luxembourg với vị trí thư ký và phiên dịch viên. Những tháng ngày rong ruổi khắp các bản làng miền Tây xứ Nghệ, Thắm càng thấm thía nỗi cực nhọc của bà con, những thiệt thòi của trẻ em vùng cao. Nhưng mình làm được gì bây giờ? Câu hỏi ấy cứ canh cánh trong lòng cô gái trẻ vừa chập chững vào đời. Phải học tiếp! Đó là mệnh lệnh của Vi Thị Thắm.
Lại đèn sách để quyết tâm giành học bổng du học. Và Thắm đã thành công, cô giành được học bổng toàn phần của Chính phủ Úc cho khóa học thạc sĩ chuyên ngành phát triển. Xong hai năm học ở Úc, tranh đấu quyết liệt nhất trong cô là về nước hay ở lại? Ở lại sẽ có cuộc sống vật chất ổn hơn, nhưng ước mơ tiếng Anh cho trẻ vùng cao không lẽ vẫn cứ mãi là mơ ước.
Cuối cùng Thắm đã quyết định trở về và làm việc cho Tổ thức Bảo tồn thiên nhiên thế giới ở Huế. “Em dự định làm ở đó khoảng 4 năm để tích lũy tiền bạc. Nhưng bản Xiềng cứ thôi thúc, thế là mới được 2 năm, năm 2016, em xin nghỉ việc để về quê” – Thắm chia sẻ. Trung tâm tiếng Anh Vi Mickey- trung tâm tiếng Anh đầu tiên ở huyện Con Cuông của Thắm ra đời từ đó.
Khổ nỗi là người dân quê em còn nghèo, nhiều cháu muốn học mà không dám theo. Thế là em đăng ký thành lập doanh nghiệp xã hội, 50% kinh phí thu được dành để miễn, giảm học phí cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn. “Cũng nhiều trở ngại lắm, nhất là gia đình, ai cũng lo cho em không thành công, ai cũng bảo làm cho nước ngoài lương cao, về quê chi cho mệt. Nhưng em lại thấy khác, cứ về bản là tự tin” – Thắm hào hứng kể.
Hoa trên lèn đá
Hướng mắt về dòng sông Giăng thơ mộng, Thắm say sưa: Bến sông này người ta quen gọi là Phà Lài, nhưng theo hiểu biết của em thì nó có tên là Pha Lài. Pha Lài, tiếng Thái có nghĩa là hoa trên lèn đá. Vì thế mà năm 2017, em thành lập công ty du lịch, lấy tên là Pha Lài.
Quê mình đẹp lắm. Chỉ với những cái tên Môn Sơn, Phà Lài, Sông Giăng, Đan Lai...cũng đủ để thu hút mọi người. Và, trong một chuyến cùng bạn bè thuê thuyền ngược sông Giăng, vào với bà con tộc người Đan Lai, nơi có truyền thuyết trăm cây nứa vàng với tục ngủ ngồi, Thắm đã quyết tâm làm du lịch. Thế là bao nhiêu kinh nghiệm của những tháng năm tham gia các dự án nước ngoài, kiến thức đã học, những quan hệ từ trong, ngoài nước...được Thắm huy động để Phà Lài ra đời, để bản Xiềng đổi thay.
Thắm cho biết, cách làm du lịch của cô là lấy văn hóa làm trung tâm, làm du lịch kết hợp với quảng bá văn hóa bản địa. Vì thế mà cô đã bỏ nhiều công sức tìm kiếm và mời gọi các nghệ nhân dân gian sưu tầm và phục dựng nhiều làn điệu hát múa cũng như một số lễ hội cổ của người Thái. Một trong những nghệ nhân đó là ông Lương Văn Nghiệp. Ông đã sưu tầm và phục dựng nhiều làn điệu dân ca cổ của người Thái như Hội cầu mùa, Hội cầu may..., trong đó bài đồng giao cho trẻ con được du khách tán thưởng nhiều nhất. “Du khách đến với Phà Lài, ngoài nghỉ dưỡng và trải nghiệm như đánh cá, cưỡi trâu, chèo thuyền...thì họ còn muốn khám phá nét đẹp văn hóa của bà con nơi đây. Cách tốt nhất là sân khấu hóa một số sinh hoạt của đồng bào để họ được thỏa mãn. Vì thế mà em đang “treo thưởng” cho các nghệ nhân dàn dựng truyền thuyết “Trăm cây nứa vàng” của người Đan Lai”, hoặc dựng lại hào khí “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” của nghĩa quân Lê Lợi năm xưa”.
Khi hỏi về hiệu quả của homestay, Thắm nói rất ngắn rồi dẫn tôi đến nhà chị Vi Thị Thỏa, một trong những chủ nhân thành công nhất ở bản Xiềng: Từ con số không mà phát triển. Nhưng qua lời chị Thỏa chúng tôi biết đó là công sức bao năm “cầm tay chỉ việc” của Thắm giúp bà con làm du lịch.
Căn nhà sàn của mẹ con chị Thỏa nhỏ nhắn, bình dị nhưng rất sạch sẽ, tươm tất. Năm nay đang gặp phải mùa dịch bệnh nên chị được thảnh thơi, chứ như các năm trước thì không có thời gian tiếp chuyện nhà báo đâu. “Mẹ con tôi từ chỗ nghèo khó, chỉ có mỗi căn nhà, được chính quyền và nhất là công ty của em Thắm giúp đỡ mà cuộc sống khá hơn rồi. Từ chỗ chỉ biết đi nương đi rẫy, được cô Thắm hướng dẫn, chị mạnh dạn làm du lịch làm đúng như cô Thắm dạy, thế là khách ngày càng đông. Có những đêm nhà chị đón đến 30 người. Ồ, vui lắm”- chị Thỏa chia sẻ.
Trở lại Phà Lài, hướng về hữu ngạn sông Giăng, Thắm nói với tôi: Đó là khu nghỉ dưỡng, đã quy hoạch rồi, còn trên nữa là sân chơi, sân khấu – nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng, công ty sẽ sớm đầu tư xây dựng. Khâm phục cô gái trẻ nhỏ nhắn mà can trường, tôi buột miệng: Em chính là hoa trên lèn đá!
Thắm khiêm nhường: Em không dám nhận đâu, em chỉ dám hết mình với đam mê!
“ Công ty của Thắm, ngoài thu nạp hơn 30 lao động là thanh niên bản địa, còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động khác như đội thuyền của làng Xiềng hơn 50 người; tiêu thụ một lượng lớn nông sản cho bà con...Đặc biệt, cách làm du lịch của Thắm không chỉ tạo thu nhập đáng kể cho hàng chục chị em là diễn viên không chuyên trong các đội văn nghệ cộng đồng, mà còn góp phần bảo tồn, quảng bá văn hóa địa phương”.
(Nguyễn Thị Thành An – Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An)