Kết quả sau 3 năm thực hiện Chương trình
Đến cuối tháng 12 năm 2023, việc triển khai Dự án 1 của Chương trình MTQG 1719 đã có những kết quả nhất định. Hiện tại, toàn huyện Hướng Hóa đã có 101 hộ được hưởng hỗ trợ đất ở, 473 hộ hưởng lợi hỗ trợ nhà ở, 435 hộ hưởng lợi chuyển đổi nghề, 1.639 hộ hưởng lợi hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán và 15 công trình nước sinh hoạt tập trung hỗ trợ tại các xã Hướng Sơn, Ba Tầng, Hướng Lộc, Hướng Linh, Hướng Lập, Húc.
Đối với dự án 2 về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết được thực hiện tại các xã Húc, Hướng Lập, Hướng Việt, Ba Tầng, Xy, Lao Bảo, Hướng Sơn, Hiện đã đầu tư xây dựng khu tái định cư xã Húc.
Việc thực hiện Dự án 3 cũng đã và đang triển khai theo kế hoạch. Theo đó, với tiểu dự án 1 về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, địa phương cũng đã xúc tiến thực hiện thủ tục hồ sơ chi trả kinh phí cho cộng đồng, hộ gia đình quản lý bảo vệ rừng theo quy định.
Còn với tiểu dự án 2 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, hiện tổ thẩm định huyện Hướng Hóa đang tổ chức thẩm định các dự án; các xã, thị trấn cũng đang xúc tiến thủ tục, hồ sơ thực hiện các mô hình bò cái lai sind, dê sinh sản.
Nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân về hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN theo dự án 4, nguồn vốn đầu tư bố trí cho tiểu dự án 1, đã thực hiện 91 công trình, với tỷ lệ giải ngân đạt hơn 65%, còn nguồn vốn sự nghiệp bố trí đã thực hiện 20 công trình, với tỷ lệ giải ngân hơn 22%.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo vùng DTTS&MN, nguồn vốn đầu tư bố trí thực hiện theo dự án 5 đã tiến hành xây mới các phòng công vụ giáo viên, phòng học, phòng ở cho học sinh bán trú gồm 11 công trình tại các xã Hướng Sơn, Hướng Lộc, Hướng Linh, Ba Tầng, Hướng Lập. Riêng nguồn vốn sự nghiệp cũng đã tiến hành hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc bán trú; hỗ trợ công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS.
Công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục học lý thuyết và thực hành; hỗ trợ đầu tư mua sắm thiết bị đào tạo nghề, dụng cụ dạy học và thực hành; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng DTTS&MN; tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài; đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp; tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng cũng như nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã, huyện… đã được triển khai thực hiện theo kế hoạch.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, đã góp phần quảng bá, bảo tồn tốt hơn giá trị truyền thống của đồng bào huyện Hướng Hóa. Theo đó, từ các nguồn vốn, huyện đã tiến hành xây dựng 22 công trình nhà văn hóa truyền thống, nhà sinh hoạt cộng đồng tại các xã, thị trấn Hướng Phùng, Hướng Việt, Lao Bảo, Húc, Lìa, Hướng Sơn, Thuận, Ba Tầng, A Dơi, Xy, Hướng Linh, Thanh, Hướng Việt.
Đồng thời, tổ chức khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS; tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các DTTS; xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các thôn vùng đồng bào DTTS&MN, vùng di dân tái định cư; tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan về các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS; hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào DTTS&MN.
Triển khai Dự án 8 về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em theo 4 nội dung, tổng nguồn vốn sự nghiệp (năm 2022 và năm 2023) được bố trí là hơn 3 tỷ đồng. Đến nay, các phần việc thực hiện đã tiến hành giải ngân hơn 1,16 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38,5%.
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Dẫu đạt được nhiều kết quả nhưng việc thực hiện một số hạng mục, nội dung của Chương trình MTQG 1719 ở Hướng Hóa vẫn còn nhiều khó khăn cần sớm tháo gỡ.
Cụ thể hơn, đối với một số dự án, tiểu dự án do người dân tự thực hiện, đề nghị các Bộ ngành liên quan có hướng dẫn chi tiết thủ tục thanh toán theo hướng đơn giản hóa thủ tục, phù hợp với điều kiện của người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn.
Về vướng mắc trong đối tượng thụ hưởng kinh phí chương trình đào tạo nghề, đề nghị UBND tỉnh, Sở LĐTB&XH kiến nghị Bộ LĐTB&XH bổ sung đối tượng “Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên”, là đối tượng thụ hưởng của Chương trình.
Đối với việc giao vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình MTQG năm 2024 và các năm sau, huyện Hướng Hóa đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính xem xét, giao tổng dự toán đối với từng dự án, không giao chi tiết theo ngành, lĩnh vực như hiện nay để dễ dàng thực hiện. Địa phương cũng đề nghị UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các Sở, ngành liên quan sớm bố trí kinh phí lồng ghép, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo theo Đề án của tỉnh cũng như của Chương trình MTQG 1719 nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở trên địa bàn huyện được tốt hơn.
Hiện nay, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các tiểu dự án, dự án đã tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung, dự án chưa có văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục cụ thể nên còn gặp vướng mắc, khó khăn; do đó, các đơn vị, địa phương chưa có cơ sở để triển khai thực hiện theo tiến độ.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa quyết liệt, thiếu quyết tâm và sâu sát trong tổ chức thực hiện các nội dung, dự án đã được phân bổ vốn dẫn đến tình trạng thực hiện chậm hoặc không giải ngân hết kế hoạch vốn.
Việc triển khai đầu tư các công trình xây dựng theo cơ chế đặc thù còn gặp nhiều khó khăn cần được tháo gỡ, như: các xã trên địa bàn huyện hiện nay chưa có hợp tác xã về xây dựng; các tổ, nhóm thợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa đủ năng lực để thực hiện các công trình; một số công trình có địa hình phức tạp, độ dốc lớn; một số địa phương lần đầu tiên thực hiện xây dựng công trình theo cơ chế đặc thù nên gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.