Sản phẩm sạch từ rừng
Ba Tầng là xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn nằm cách trung tâm huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) 50 km về phía Nam, chủ yếu là đồng bào Pa Kô, Bru - Vân Kiều sinh sống. Hơn 2 tháng trở lại đây, hàng chục phụ nữ Bru - Vân Kiều ở xã Ba Tầng đã bắt đầu được hưởng thành quả từ sản phẩm lấy từ rừng và áp dụng công nghệ mới để mang đến giá trị cao hơn. Chị Hồ Thị Linh (trú xã Ba Tầng) cho biết, trước đây phụ nữ Vân Kiều ở xã Ba Tầng thường lấy măng rừng về ăn, tuy nhiên lượng măng rừng lấy được khá nhiều nên nhiều người phải gùi cõng măng tươi vượt hàng chục km rao bán khắp nơi. Vất vả là thế nhưng trừ chi phí đi lại, những phụ nữ bán măng rừng chỉ còn lại vài chục ngàn đồng, không đủ đắp đổi cơm áo cho cả gia đình.
Theo nhiều phụ nữ Bru-Vân Kiều ở xã Ba Tầng chia sẻ, vào mùa mưa, chị em phụ nữ ở xã Ba Tầng lại tích cực thu hoạch măng rừng. Măng rừng ở Hướng Hóa có tên là măng A Ho, được người Vân Kiều khai thác từ rừng vào tháng 7 đến tháng 1 hàng năm. Măng có vị ngọt, thơm, mềm sau khi luộc và được người Vân Kiều dùng làm các món xào, luộc, làm đồ chua… Theo truyền thống, người phụ nữ Vân Kiều thường cắt được bao nhiêu đều đem ra chợ bán. Bán không hết thì đem về nhà ăn. Ăn không hết thì đem bỏ, lần sau đi cắt tiếp. Một số người cũng đã tận dụng phơi sấy măng ngoài trời hoặc trên bếp. Một số người đã thử phơi măng khô theo dạng thủ công, dựa vào ánh nắng mặt trời. Thế nhưng việc phụ thuộc thời tiết nên chất lượng măng làm ra không đẹp, màu sắc không đều khiến khách hàng chê, tiểu thương ép giá.
Trong khi đó, nhiều khi măng rừng thu hái về sử dụng không hết phải đổ bỏ. Bà Hồ Thị Meng, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ba Tầng cho biết: “Măng rừng ở Ba Tầng là sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Thế nhưng, địa hình rừng núi hiểm trở, giao thương buôn bán còn khó khăn nên việc đem lại nguồn thu nhập ổn định từ măng rừng còn nhiều trăn trở. Chính quyền địa phương vẫn thường xuyên hướng dẫn chế biến và bảo quản, tuy nhiên không có công nghệ và cách thức phù hợp dẫn tới sản phẩm măng rừng không đảm bảo chất lượng. Bây giờ, đồng bào đem măng sấy khô bằng năng lượng mặt trời, thu nhập tốt hơn và nhàn hơn hẳn”.
Lập tổ hợp tác áp dụng công nghệ mới
Ở các vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời điểm này, sản lượng măng tự nhiên dồi dào và được thị trường ưa chuộng, song việc đem lại nguồn thu nhập ổn định từ măng còn gặp nhiều khó khăn. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Plan International Việt Nam, bà con Vân Kiều ở Ba Tầng đã có phương thức mới để bảo quản măng, đó là sấy măng trong nhà sấy năng lượng mặt trời. Để giúp chị em dễ dàng hơn trong quá trình thực hiện mô hình, Tổ chức Plan International Việt Nam đã đầu tư lắp đặt nhà sấy lồng kính năng lượng mặt trời. Nhờ vậy, sản phẩm măng khô sau khi ra lò giữ được màu sắc đẹp mắt, bảo quản được lâu hơn, hàng chục chị em phụ nữ Vân Kiều có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.
Hơn 2 tháng qua từ khi mô hình tổ hợp tác được thành lập và được hỗ trợ công nghệ từ tổ chức Plan International Việt Nam cùng các cơ quan đối tác, xã Ba Tầng đã chung tay hỗ trợ chị em phụ nữ nghèo ở đây thực hiện mô hình sao sấy măng khô nhằm tăng thu nhập. Tham gia tổ hợp tác nông sản sạch Ba Tầng (gọi tắt là THT Ba Tầng), mỗi ngày các phụ nữ Vân Kiều ở đây đều đặn đến THT cùng nhau thực hiện các công đoạn sơ chế, tạo ra sản phẩm măng sấy khô.
Tại THT Ba Tầng, 16 thành viên là chị em phụ nữ trong tổ chia nhau mỗi người một việc. Người thu hoạch măng, người khác thực hiện khâu sơ chế, ép, đưa măng vào nhà sấy, người thu gom măng sấy và đóng gói, người vận chuyển, bán hàng. Mỗi người một phần việc cùng hướng đến mục tiêu tăng thu nhập, dần hướng tới hoàn thiện phương thức hợp tác để có thể tiếp cận được thị trường rộng lớn hơn, mang lại thu nhập tốt hơn cho phụ nữ DTTS. Hiện tại, thành viên của THT Ba Tầng có mức thu nhập ổn định từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/ngày.
Chị Nguyễn Thị Liên, Tổ trưởng THT Ba Tầng chia sẻ: Việc phơi sấy măng trong lồng kín, nhiệt độ ổn định nên măng khô rất đẹp, màu vàng tươi, đảm bảo an toàn thực phẩm, được thị trường ưa chuộng. Tham gia THT, các thành viên dần thay đổi thói quen phơi sấy măng ngoài trời hoặc trên bếp bằng thực hiện trong nhà sấy năng lượng mặt trời. Nhà sấy hoạt động với nguyên tắc tận dụng hiệu ứng nhà kính để tạo nhiệt sấy măng khi nhiệt độ ngoài trời cao và chuyển sang chức năng sấy lạnh khi khí hậu không ôn hòa. Tuy mới chỉ đi vào hoạt động cách đây không lâu, song mô hình sao sấy măng A Ho nói riêng và THT Ba Tầng nói chung đã mang lại hiệu quả tích cực với người dân, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. THT sấy măng khô này là hướng giảm nghèo có tính hiệu quả, bền vững cho phụ nữ Vân Kiều. Có thu nhập, chị em phụ nữ có điều kiện chăm lo cho gia đình, con cái ăn học, cải thiện cuộc sống.
Ông Nguyễn Đức Tuân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hướng Hoá cho biết, THT nông sản sạch, sấy măng khô bằng năng lượng mặt trời ở xã Ba Tầng là hướng đi mới, đột phá và có tiềm năng mở rộng quy mô. Hiện tại, dù số lượng măng khô do THT làm ra còn ít nhưng đã được thị trường đón nhận. Đây là một tín hiệu đáng mừng với các chị em. Từ đây, họ sẽ có cơ hội tăng thu nhập, ngày càng phát triển kinh tế gia đình. Thời gian tới, UBND huyện đồng hành với đơn vị tài trợ hướng dẫn chị em phụ nữ ở THT ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.