Sự tích kể rằng, xưa lắm rồi người Chu Ru cũng biết cái chữ, nhưng chữ lại được khắc trên tấm da trâu. Da trâu bị hôi thì đem ra phơi nắng. Con chó ngửi thấy mùi của da trâu nên tha đi ăn mất. Thế là người Chu Ru mất luôn cái chữ. Cái chữ mất, cái đầu càng tối hơn, người Chu Ru như lạc lối giữa rừng. Đó chỉ là sự tích, hoặc câu chuyện được hư cấu, nhưng nó phản ánh một thực tế, phần lớn người Chu Ru cách đây khoảng 20 năm chỉ nghe và nói, chứ không thể đọc và viết được ngôn ngữ của dân tộc mình.
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 22.500 người dân tộc Chu Ru, sinh sống tập trung ở 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng. Mặc dù chưa có một cuộc khảo sát nào cụ thể để đưa ra con số chính xác có bao nhiêu người Chu Ru biết đọc và biết viết ngôn ngữ của dân tộc mình. Tuy nhiên, qua nhận định của một số nhân sĩ, trí thức và già làng người Chu Ru thì trước năm 2004, có khoảng trên 90% số người Chu Ru trên địa bàn huyện Đơn Dương không biết đọc và viết chữ của dân tộc mình. Trước thực trạng này, ông Ya Loan đau đáu: “Chữ viết là niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nếu không có chữ viết là tự đánh mất đi bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Mình biết chữ thì phải tìm cách dạy lại cái chữ Chu Ru cho bà con trong các buôn làng thôi”.
Chữ viết là niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nếu không có chữ viết là tự đánh mất đi bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Mình biết chữ thì phải tìm cách dạy lại cái chữ Chu Ru cho bà con trong các buôn làng thôi”.
Ông Ya Loan, dân tộc Chu Ru
Vốn là một giáo viên tiểu học, khi nghỉ hưu, ông Ya Loan tiếp tục dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu phong tục, tập quán, ca dao, tục ngữ và chữ viết của dân tộc mình. Nhờ vốn kiến thức sẵn có và nắm bắt được những căn bản về cách phát âm, cấu trúc của từ trong chữ viết Chu Ru, ông Ya Loan đã tự biên soạn thành tài liệu để truyền dạy chữ Chu Ru. Ông Ya Loan chia sẻ: “Chữ viết của dân tộc Chu Ru có mẫu tự từ chữ la tinh a, b, c giống như chữ tiếng Việt. Khi ghép lại sẽ tạo thành ngôn ngữ của người Chu Ru. Tôi nghiên cứu chữ viết của dân tộc mình nhằm ghi lại những câu ca dao, câu tục ngữ dân gian, lời hát, truyện kể, phong tục tập quán… của dân tộc mình, rồi truyền dạy lại cho bà con trong buôn làng để bảo tồn vốn quý của cha ông”.
Những lớp dạy chữ Chu Ru đầu tiên của ông Ya Loan được thành lập ngay tại 2 thôn K’Lót và R’Lơm, thuộc xã Tu Tra - nơi ông sinh sống. Lớp có hơn 40 học viên, đủ các lứa tuổi được ông Ya Loan tận tình truyền dạy, đến nay đều đã biết đọc và viết thành thạo chữ Chu Ru. Các lớp học khác đã được mở tại những buôn làng Chu Ru khác, thu hút đông đảo học viên ở nhiều lứa tuổi tham gia.
Những nỗ lực của thầy Ya Loan sau một thời gian dài đã được đền đáp xứng đáng. Chị Kơ Jong Nai Thứ, dân tộc Chu Ru ở thôn K’Lót tâm sự: “Khi biết chú Ya Loan là một người chuyên nghiên cứu chữ viết Chu Ru, chúng em tìm đến nhà chú và được chú tận tình hướng dẫn cho từng người. Sau một thời gian, chú đã giúp chúng em biết viết và đọc được chữ Chu Ru. Em sẽ cố gắng hơn nữa để học thật tốt ngôn ngữ của dân tộc mình”.
Năm 2005, khi Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng thực hiện phổ cập ngôn ngữ dân tộc Chu Ru cho cán bộ các cấp của tỉnh, ông Ya Loan được mời tham gia biên soạn, sắp xếp giáo trình và đứng lớp dạy tiếng Chu Ru trình độ A cho cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh Lâm Đồng. Ông còn tham gia nghiên cứu, biên soạn từ điển Việt - Chu Ru phục vụ công tác giảng dạy và cung cấp cho bà con trong buôn làng. Cuốn từ điển gồm 10 nghìn từ phổ biến, thông dụng và bổ ích. Công trình này đã được UBND tỉnh Lâm Đồng trao giải thưởng khoa học đạt giải C.
Nói về quá trình biên soạn bộ từ điển này, ông Ya Loan cho biết: “Soạn bộ từ điển Việt - Chu Ru, hoặc Chu Ru-Việt là một quá trình rất khó khăn mới có thể hoàn thiện. Bộ từ điển này lấy tiếng Chu Ru ở xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương làm chuẩn. Bà con Chu Ru sống trên địa bàn rộng, mỗi địa bàn có tiếng nói mang âm tiết khác nhau, nhưng khi gặp nhau nói chuyện thì vẫn hiểu, đây là một điều rất quý. Tôi đi nhiều nơi để tìm hiểu ngôn ngữ qua các già làng, nhân sĩ, trí thức người Chu Ru. Lúc đầu biên soạn thì phải hội ý nhiều lần với các nhân sĩ, tri thức để chữ viết Chu Ru được hoàn thiện hơn”.
Trong suốt hàng chục năm dạy chữ Chu Ru cho bà con dân tộc mình và gần 20 năm đứng lớp dạy tiếng Chu Ru cho cán bộ người Kinh, ông Ya Loan đặt trọn niềm tin của mình, kiên nhẫn phân tích, diễn giải cho mọi người dễ tiếp thu. Bởi ông biết rằng, chỉ cần thấu hiểu ngôn ngữ thì khoảng cách tự nhiên giữa con người dù có xa lạ cũng sẽ được thu hẹp, đưa con người xích lại gần nhau hơn.