“Đặc sản” đón khách quý
Đón khách quý bằng âm nhạc dân gian, bằng những lời ca, điệu múa và những “bữa tiệc ẩm thực” mang hương vị của núi rừng. Đó là “đặc sản” mà người Chu Ru ở xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng dành cho những vị khách khi bước chân về buôn làng. Trong những “bữa tiệc âm nhạc”, không thể thiếu những nghệ nhân cao tuổi như Ya Tim, Ya Linh, Ya Bọ… Mỗi người một sở trường, một năng khiếu đều bộc lộ rõ niềm say mê, say sưa phô diễn tài năng làm say lòng bao du khách.
Chị Ma Thuận, phụ trách nhóm cồng chiêng dân tộc Chu Ru ở Đa Quyn cho hay, thời gian đầu tập hợp nhóm cồng chiêng ở xã Đa Quyn, chỉ có 9 thành viên tham gia. Sau nhiều năm duy trì hoạt động, đến nay, nhóm cồng chiêng đã phát triển lên 23 thành viên, sinh hoạt đều đặn và tham gia biểu diễn mỗi khi có khách quý đến tham quan buôn làng.
Khi nói về việc bảo tồn, phục hồi lại những giá trị văn hóa truyền thống, thế hệ trẻ người Chu Ru ở vùng đất Đa Quyn rất biết ơn chị Ma Thuận, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đa Quyn, kiêm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của xã. Ma Thuận tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh. Thời điểm đó, có một số đơn vị du lịch mời về làm việc, nhưng Ma Thuận đã chọn trở về với buôn làng để góp sức khơi dậy di sản văn hóa Chu Ru...
"Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các ngành, các cấp nên việc tổ chức truyền dạy cho các cháu trên địa bàn rất thuận lợi. Các cháu rất vui và chăm chỉ tập luyện. Đây là thế hệ kế thừa, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, góp phần bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa xã”.
Nghệ nhân Ma Lim ở xã Tà Hine.
“Làn gió mới” từ Dự án 6
Rời Đạ Quyn, chúng tôi đến thăm một số buôn làng Chu Ru ở các xã khác của huyện Đức Trọng như: Tà Hine, Tà Năng, Đà Loan. Gặp các già làng, trưởng thôn, Người có uy tín, nghệ nhân dân tộc Chu Ru, qua những câu chuyện được nghe, được thấy ở buôn làng, chúng tôi cảm nhận đồng bào Chu Ru hôm nay đã có ý thức cao trong việc lưu giữ, bảo tồn di sản văn hóa của cha ông; Tích cực, chủ động tham gia cùng các cấp, ngành, chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động bảo tồn, phục dựng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Như tại xã Tà Hine, với sự hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Lâm Đồng và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đức Trọng, “Mô hình văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của đồng bào Chu Ru” đã ra mắt với 52 thành viên. Đây là mô hình thuộc Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).
Từ Dự án 6, CLB đã được hỗ trợ kinh phí để truyền dạy múa xoang cho 30 người, hỗ trợ 1 bộ nhạc cụ, 1 bộ âm thanh và 50 bộ trang phục truyền thống dân tộc Chu Ru.
Ngoài ra, các đội văn nghệ truyền thống tại vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đức Trọng như: Đa Quyn, Tà Năng, Đà Loan... cũng được hỗ trợ nhạc cụ để thuận lợi trong hoạt động.
Theo Nghệ nhân Ma Lim ở xã Tà Hine, những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước nên việc tổ chức truyền dạy cho các cháu trên địa bàn rất thuận lợi.
Bà Nguyễn Thị Xuân Uyên, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đức Trọng cho biết: Triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719, huyện Đức Trọng đã phối hợp với Sở VHTT&DL tổ chức lớp tập huấn trang bị các giá trị cốt lõi của di sản văn hóa nhằm phát triển du lịch cho gần 200 già làng, trưởng thôn, Người có uy tín, nghệ nhân và thành viên các CLB cồng chiêng của các xã Tà Hine, Tà Năng, Đà Loan, Đa Quyn.
Đồng thời, mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho 30 học viên là học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đức Trọng. Tại đây, các nghệ nhân đã truyền dạy cho các em những kiến thức cơ bản về học đánh cồng chiêng, kỹ năng nghe, cảm thụ tiếng chiêng, cách cầm chiêng, đánh chiêng, phân nhịp. Kết thúc khóa học, các em đã có thể diễn tấu được một số bài chiêng truyền thống của dân tộc mình như: đón khách, mừng lúa mới…
Nhân rộng các mô hình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; giúp bà con Chu Ru cách làm du lịch tăng thu nhập… đang là những việc làm thiết thực từ “luồng gió mới” của Dự án 6 thổi tới buôn làng vùng Nam Tây Nguyên.