Một buổi sáng đầu Đông tiết trời se lạnh, nắng rải vàng khoác lên mọi cảnh vật thiên nhiên giáo xứ Ka Đơn. Mùi hương dịu nhẹ của các loài hoa lá và cây cỏ, phảng phất lẫn vào các hiện vật đang được lưu giữ, trưng bày tại đây. Được sự hướng dẫn của Linh mục Trần Quốc Hưng Long, chúng tôi bước vào một không gian thoáng đạt của khu trưng bày của giáo xứ Ka Đơn với hàng ngàn hiện vật được sắp xếp công phu theo chủ đề mang đậm những nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc Chu Ru, Cơ Ho.
Linh mục Trần Quốc Hưng Long, quản xứ giáo này cho biết: “Từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, các linh mục tiền nhiệm nối tiếp nhau thuộc giáo xứ Ka Đơn và các nghệ nhân trong vùng, đã rong ruổi đến các buôn làng, sưu tầm những hiện vật để thực hiện ước mong, thành lập một bảo tàng nhằm lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa. Là thế hệ kế cận, chúng tôi tiếp tục duy trì những công việc sưu tầm và phát triển thêm về số lượng, chủng loại các hiện vật, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về đời sống văn hóa vật chất lẫn tinh thần của dân tộc mình để cùng nhau gìn giữ, phát huy”.
Thông qua các hiện vật như: cồng, chiêng, trống lớn, trống bé, kèn môi, kèn bầu, gùi, đàn đá, cây nêu, chóe, nhẫn bạc, gùi đựng lúa, gùi người, gùi đi chợ, gùi đi củi, túi đựng cơm, váy, khố, mền, địu, các dụng cụ đánh bắt cá, dụng cụ săn bắn, các sản phẩm gốm… giúp người tham quan hình dung được quá trình phát triển chân thực, sống động về đời sống vật chất và tinh thần cũng như các nghi lễ truyền thống nông nghiệp, nghi lễ đời người của đồng bào DTTS tại chỗ ở vùng đất Nam Tây Nguyên.
Ngắm nhìn những bộ cồng chiêng, đàn đá đã bóng màu thời gian, người thưởng lãm có thể cảm nhận được những nhạc cụ một thời được các nghệ nhân tấu lên những thanh âm huyền diệu lan tỏa, bay bổng giữa núi rừng trùng điệp. Những tài sản vô giá đó đã giúp bao thế hệ người Chu Ru, Cơ Ho luôn cảm thấy thích thú và tự hào về dân tộc mình. Chị Ma Đông, một khách tham quan người dân tộc Chu Ru ở huyện Đơn Dương cho biết: “Khi vào đây, em biết được nhiều thứ về đời sống vật chất và văn hóa của cha ông mình. Em cùng mọi người cần phải gìn giữ, phát huy. Đồng thời sẽ giới thiệu bạn bè gần xa về đây tham quan để hiểu thêm về văn hóa của các dân tộc Chu Ru mình”.
Không chỉ khách thập phương tham quan, sau thời gian học tập, các em học sinh trên địa bàn xã Ka Đơn nói riêng, huyện Đơn Dương nói chung thường xuyên ghé thăm không gian trưng bày hiện vật văn hóa tại giáo xứ Ka Đơn. Các em được trải nghiệm qua thực tế bao điều bổ ích. Những kiến thức trực quan này, bồi bổ cho các em học sinh hiểu thêm về đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của các dân tộc anh em bên dòng Đạ Nhim. Từ đó, các em nỗ lực hơn trong học tập.
Cô giáo Đặng Thị Công, trường Tiểu học Ka Đơn 2 vui vẻ cho biết: “Được tham quan bảo tàng, các em rất thích thú. Các em học sinh phần lớn là con em đồng bào DTTS, nên khi được tìm hiểu để hiểu thêm về văn hóa của cha ông mình gắn liền với đời sống hàng ngày, sẽ giúp các em phát triển toàn diện”.
Cũng tại nơi đây, thường diễn ra các buổi biểu diễn công chiêng và các trò chơi dân gian, thi giã gạo, làm rượu cần, … mang đậm nét văn hóa của đồng bào các DTTS trong vùng và những vùng lân cận. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân có điều kiện học hỏi, thi thố tài năng, đồng thời như một thông điệp nhắc nhở bao thế hệ trên vùng đất này cần phải lưu giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa trường tồn đó.
Nghệ nhân Ưu tú Ma Bio ở xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương cho biết: “Ngoài công việc không ngừng sưu tầm để bồi bổ thêm cho bảo tàng những hiện vật quý giá, chúng tôi là những nghệ nhân phải có trách nhiệm truyền dạy cho thế hệ trẻ những bài chiêng hay, những vũ điệu, lời ca mang đậm văn hóa Churu để không bị mai một theo thời gian”.
Mặc dù cuộc sống hiện đại len lỏi khắp mọi nóc nhà, buôn làng, nhưng thật cảm phục và trân trọng biết bao, những thế hệ người đồng bào các DTTS anh em nơi đây, đã bằng cả tấm lòng nhiệt huyết của mình, dày công sưu tầm, bồi bổ các di sản văn hóa, hiện vật văn hóa để lại cho hậu thế một “kho báu” vô giá.
Với mỗi hiện vật mang trong mình sắc thái riêng, ẩn chứa bao giá trị văn hóa cũng là chứng tích sống động về sự hình thành, phát triển của cư dân bản địa trên vùng đất này nhằm góp phần, chung tay lưu truyền cho thế hệ mai sau về bức tranh văn hóa của các dân tộc anh em thêm đa hương, nhiều sắc, trên vùng đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ.