Theo lịch hẹn, chúng tôi đến trường PTDTBT Tiểu học và THCS Đồng Văn, vào một buổi sáng cuối thu tìm gặp thầyHoàng Văn Sằn. Với nụ cười thân thiện, thầy Sằn rót chén trà nóng mời khách, rồi hồ hởi trò chuyện. Thầy Sằn kể, hơn chục năm theo đuổi sự nghiệp trồng người trên mảnh đất miền núi này, thầy thấm thía nhiều khó khăn trong việc dạy và học nơi đây, đặc biệt tại các điểm trường lẻ, việc vận động người dân cho con được tới trường vẫn còn nhiều gian nan.
“Vào năm học mới, tôi phải cùng cùng các giáo viên, cán bộ xã tới từng nhà vận động phụ huynh đồng ý cho con đi học, rồi cùng nhau kêu gọi bạn bè, thông qua mạng xã hội hỗ trợ kinh phí mua quần áo, sách vở giúp cho các em đến lớp”, thầy Sằn kể.
Anh Tằng Dẩu Hỉu, bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn tâm sự: “Thằng lớn nhà tôi trước học thầy Sằn. Thầy nhiệt tình, tâm huyết với học sinh lắm. Giờ thằng bé lên lớp 4, cũng được học lớp của thầy tôi rất yên tâm”.
Điều ấn tượng khác về thầy là, bên cạnh việc “dạy chữ”, thầy Sằn luôn trăn trở với giải pháp phát triển kinh tế làm giàu, đồng thời cũng thêm cơ hội đỡ đỡ giúp bà con trong bản thoát nghèo.
Thầy Sằn chia sẻ, những năm qua thầy để ý thấy nhiều du khách đến Bình Liêu, ai cũng thích cảnh đẹp núi rừng hùng vĩ ở nơi đây, nhưng lại không muốn lưu lại do các hoạt động dịch vụ lưu trú của địa phương còn hạn chế. Thế là ý tưởng làm homestay của thầy Sằn bắt nguồn từ đó.
Mặc dù khi bàn bạc với gia đình, mọi người đều không đồng tình ủng hộ vì thấy chưa quen, chưa biết dịch vụ này, nhưng cuối năm 2016, từ số tiền tiết kiệm và tận dụng diện tích đất ở, thầy Sằn vẫn quyết tâm đầu tư xây 3 phòng nghỉ, ngay sát nhà để phục vụ khách du lịch lưu trú, với tổng số tiền đầu tư là hơn 300 triệu đồng. Đầu năm 2017, Homestay Hoàng Sằn chính thức đi vào hoạt động.
Theo thầy Sằn kể, thời gian đầu, homestay chỉ đón lác đác vài khách vãng lai, chủ yếu là dân phượt. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và đặc biệt là nhờ bạn bè, mạng xã hội chia sẻ nên dần dần khách du lịch từ nhiều địa phương về Bình Liêu, đã tìm đến khu homestay ủng hộ ngày càng nhiều.
Thầy Sằn thông tin, với giá cả tại homestay khá bình dân so với nhiều điểm lưu trú khác: nghỉ đêm giá 100.000 đồng/người; suất ăn bình quân từ 120.000 - 150.000 đồng/suất) nên trung bình mỗi tháng, Homestay Hoàng Sằn đón khoảng 150-200 khách du lịch đến nghỉ dưỡng, trải nghiệm tại địa phương. Đặc biệt, "mùa này Bình Liêu đẹp lắm, hoa lau nở rộ, rồi cả mùa vàng ruộng bậc thang, nhiều lễ hội…, khách du lịch đổ về đông vui lắm. Homestay Hoàng Sằn cuối tuần gần như hết phòng nếu không đặt trước ấy”.
Với mong muốn ngày càng phát triển mô hình bền vững, lan tỏa mô hình trong các gia đình, thời gian rảnh rỗi dịp cuối tuần, thầy Sằn lại xách ba lô rong ruổi khắp nơi để tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm thực tế các mô hình du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương khác; cũng như, quảng bá thêm về địa phương; đồng thời thầy cũng đã làm quen được với khá nhiều bạn bè ở các địa phương khác, để giới thiệu về Bình Liêu trải nghiệm.
Khá thú vị là, không ít khách đến Bình Liêu, đến với homestay Hoàng Sằn thấy thầy nhiệt tình, hiếu khách còn mời thầy đi cùng làm hướng dẫn viên. Dần dần, thầy Sằn đã thành “hướng dẫn viên” không chuyên, không chỉ phục vụ cho hoạt động dịch vụ của gia đình, mà còn của bản lúc nào không hay.
Anh Vi Ngọc Nhất, Phó Phòng Văn hóa huyện Bình Liêu cho biết: “Thầy Sằn là một giáo viên trẻ rất năng động. Việc thầy Sằn mạnh dạn đầu tư xây dựng homestay gia đình và tham gia làm hướng dẫn viên du lịch đang mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, tạo thêm việc làm cho không ít người dân địa phương, mà còn làm thay đổi nhận thức của người dân trên địa bàn, trong việc mạnh dạn thay đổi tư duy, phát huy nội lực, tranh thủ lợi thế, khả năng để phát triển kinh tế.