Chính thức được tổ chức trong thực tiễn từ nửa cuối năm 2022, nhưng với nỗ lực và chủ động của các Bộ, ngành, địa phương, Chương trình MTQG 1719 đến nay, đã hoàn thành sớm một số chỉ tiêu được giao. Trong quá trình thực hiện, nhờ làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, Ủy ban Dân tộc đã kịp thời giải đáp những kiến nghị từ cơ sở để đẩy nhanh tiến độ chương trình.
Hoàn thành sớm một số chỉ tiêu
Chương trình MTQG 1719 gồm 10 Dự án, 14 tiểu dự án và và gần 90 nội dung hỗ trợ khác nhau do 23 bộ, ngành cùng quản lý, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện. Các nội dung thành phần của Chương trình MTQG đi sâu và bao phủ hầu hết các mặt của đời sống kinh tế - xã hội (KT – XH), với kỳ vọng ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay của đồng bào DTTS như: đất ở, nhà ở, nước sạch, đất sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng thiết yếu, giáo dục, đào tạo nghề...
Dù mới được đưa vào tổ chức tại thực tiễn địa phương từ nửa cuối năm 2022 nhưng ước tính đến cuối năm 2023, một số chỉ tiêu hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao cho cả giai đoạn. Sơ kết giữa kỳ (tính đến hết tháng 6/2023) cho thấy, việc triển khai Chương trình MTQG ở tất cả các khu vực đều có những kết quả tích cực; nhất là trong chỉ tiêu giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục – đào tạo,...
Trong đó, với 19 tỉnh miền núi phía Bắc, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS toàn vùng đạt 3,61% (kế hoạch giao trên 3%); 99,2% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 90,1% trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 92,3% trạm y tế được xây dựng kiên cố... Ở 13 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, ước tính đến cuối năm 2023, một số chỉ tiêu hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao như: Tỷ lệ xã, thôn có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông, cứng hóa; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới, các nguồn điện khác phù hợp và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Còn tại 17 tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên, nhiều địa phương đã chủ động lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác nên một số chỉ tiêu ước đến 31/12/2023 sẽ hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao. Trong đó, chỉ tiêu giảm nghèo đạt 3,81%; một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao ở mức cao như: Thừa Thiên - Huế (11,04%), Quảng Nam (7%), Khánh Hòa (6%), Quảng Ngãi (5,37%), Đăk Nông (5%)...
Ngoài ra, các chỉ tiêu như: tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa, tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đến trường; tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng… đều sẽ sớm hoàn thành.
Theo đánh giá của các địa phương, việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu như trên sẽ là động lực thúc đẩy phát triển KT - XH, xóa đói, giảm nghèo cho người dân được thụ hưởng chính sách. Đồng thời giúp địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc
Những kết quả tích cực của Chương trình MTQG 1719 một phần nhờ công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng thực hiện từ Trung ương tới cơ sở. Trước khi triển khai Chương trình MTQG trong thực tiễn, ngày 26/5/2022, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-UBDT quy định quy trình giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; trên cơ sở đó, các địa phương cũng đã ban hành kế hoạch triển khai công tác kiểm tra, đánh giá trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn.
Trong năm 2023, UBDT đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện tại các địa phương. Theo đó, UBDT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, nắm tình hình CTDT, thực hiện CSDT, kiểm tra công tác tổ chức, triển khai Chương trình MTQG 1719 tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi; kết quả kiểm tra giám sát cũng đã được báo cáo với Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG tại Báo cáo số 04/BC-TCTCTMTQG ngày 5/5/2023.
Là Chương trình MTQG lần đầu tiên dành cho đồng bào DTTS nên ngay khi bắt tay vào thực hiện (cuối năm 2022), các địa phương đều khá lúng túng, gặp một số vướng mắc vượt thẩm quyền. Vì vậy, hầu hết các địa phương để có kiến nghị gửi Trung ương xem xét, tháo gỡ, hướng dẫn giải quyết.
Ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão, ngày 21/3/2023, UBDT đã có văn bản số 405/UBDT-VPCTMTQG gửi cáo địa phương về tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719. Trong văn bản này, UBDT đã kịp thời làm rõ những cơ chế, chính sách của Chương trình MTQG 1719 để các địa phương thuận lợi triển khai.
Đơn cử, khi bắt tay thực hiện hỗ trợ nhà ở Dự án 1 - Chương trình MTQ 1719, tỉnh Bắc Kạn và một số địa phương khác băn khoăn trước thực trạng nhiều hộ nghèo đã được thụ hưởng chính sách về nhà ở trước đây, nhưng nay nhà ở đã xuống cấp, dột nát. Theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững thì các hộ này không được hỗ trợ sửa chữa hoặc xây mới thì rất khó khăn về nhà ở.
Giải đáp thắc mắc này, trong văn bản số 405/UBDT-VPCTMTQG, UBDT khẳng định, các hộ nghèo đã được hỗ trợ về nhà ở theo các chương trình, đề án 134, 167,... và các chương trình chính sách khác của Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội hoặc các tổ chức xã hội, nhưng nay nhà ở đã xuống cấp, hư hỏng, dột nát thì vẫn thuộc đối tượng thụ hưởng Chương trình MTQG 1719.
Từ hướng dẫn này, các địa phương đã đẩy nhanh công tác hỗ trợ nhà ở cho người dân từ vốn Chương trình MTQG 1719. Chỉ tính riêng huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn), trong năm 2023 dự kiến hỗ trợ nhà ở cho 400 hộ nghèo, tính đến tháng 11/2023 đã có hơn 200 nhà được bàn giao đưa vào sử dụng, số còn lại đang thi công.
Việc kịp thời giải đáp những kiến nghị của địa phương để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai, cho thấy tinh thần trách nhiệm cao của UBDT với vai trò là cơ quan được giao chủ trì quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình MTQG 1719, được quy định trong Thông tư số 01/2022/TT-UBDT ngày 26/5/2022 quy định quy trình giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG.
Cùng với cả hệ thống chính trị, UBDT đã và đang cùng với các địa phương quyết liệt triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719, quyết tâm “về đích” các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.