Công nghệ cao vẫn còn xa vời
Thế giới ngày càng “phẳng hơn” trong thời đại công nghệ 4.0, cạnh tranh gia tăng, chi phí về lao động nông nghiệp cũng ngày càng cao. Do đó, chỉ có con đường duy nhất là ứng dụng công nghệ mới, thông minh trong sản xuất nông nghiệp để giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm và tăng tính cạnh tranh.
Dẫu vậy, việc áp dụng công nghệ nói chung, chưa nói đến công nghệ cao, trong sản xuất nông nghiệp của nước ta, vẫn đang ở thì tương lai. Điều này khiến ngành nông nghiệp phải “cõng” giá thành sản xuất cao, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn biến trầm trọng.
Một ví dụ cụ thể nhất là, trong sản xuất nông nghiệp, chi phí về nước tưới chiếm tỷ trọng rất cao trong giá thành sản phẩm. Như đối với cây cà phê, theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), để sản xuất 1 kg cà phê, Nhà nước phải chi phí 1.000 đồng để cấp nước (chi phí thủy lợi đầu mối), người dân cũng phải chi phí về nước thêm 3.000 đồng nữa (phục vụ tưới cà phê). Do đó, giá thành cà phê ở Việt Nam cao hơn nhiều nơi trên thế giới, vì thế mà sức cạnh tranh của sản phẩm thấp đi.
Tính toán của Bộ NN&PTNT cho thấy, nếu áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10 - 40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20-50%; tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20 - 40%.
Xác định việc đưa công nghệ tưới hiện đại vào sản xuất nông nghiệp là yêu cầu bức thiết, khi xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi (được phê duyệt tại Quyết định số 794/QĐ-BNN-TCTL ngày 21/4/2014, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đặt mục tiêu đến năm 2020, cả nước có khoảng 500.000ha cây trồng cạn chủ lực được tưới theo hướng hiện đại với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Đến thời điểm này, vẫn chưa cố số liệu chính thức, nhưng trên bình diện chung thì, diện tích cây trồng chủ lực được áp dụng công nghệ tưới hiện đại của cả nước hiện vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Như tỉnh Vĩnh Long, hết năm 2020, toàn tỉnh cũng chỉ mới có 9.639,5ha cây trồng cạn được tưới, với công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước, đạt 10,44% tổng số diện tích cây trồng cạn toàn tỉnh. Với một địa phương trong vùng “vựa lúa” Đồng bằng Sông Cửu Long như Vĩnh Long, mà kết quả khiêm tốn như vậy, thì với các tỉnh miền núi, kinh tế còn nhiều hạn chế, việc áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp là còn quá xa vời.
Nhiều rào cản
Việc áp dụng công nghệ hiện đại, như công nghệ tưới tiết kiệm vào sản xuất nông nghiệp có hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều rào cản để có thể áp dụng. Bà con nông dân hiện nay vẫn mang nặng tư duy “tưới nước là phải tưới đẫm” mới hiệu quả. Vì thế, chính quyền các cấp, các nhà khoa học và doanh nghiệp cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để dần dần làm thay đổi thói quen, nhận thức của người dân.
Mặt khác, nếu áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước, người nông dân sẽ phải đầu tư một lượng vốn khá lớn. Hiện chi phí đầu tư trang thiết bị tưới tiết kiệm nước trong trồng trọt dao động từ 15-150 triệu đồng/ha, tùy vào từng loại cây trồng (cây hồ tiêu là 80 triệu đồng/ha, cây cà phê là 50 triệu đồng/ha, cây rau là 50 triệu đồng/ha…).
Mức đầu tư như vậy vượt quá khả năng của nhiều hộ dân, nhất là các hộ nghèo. Do đó, để nông dân có thể triển khai áp dụng việc tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, rất cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước.
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh BĐKH và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ của nền kinh tế”. Sản xuất nông nghiệp, không chỉ bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, mà còn tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước.
Với vai trò đó, nông nghiệp là một trong những ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước được nêu rõ trong Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.
Tại Diễn đàn Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021, với chủ đề: “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch Covid-19”, được tổ chức trực tuyến ngày 16/9/2021, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, năng suất, sản lượng nông nghiệp Việt Nam đã dần chạm ngưỡng. Nguyên nhân là do giới hạn về trình độ khoa học kỹ thuật, sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên, tác động tiêu cực của BĐKH và thời tiết cực đoan, dịch bệnh bất thường…
Theo ông Hoan, sản xuất nông nghiệp không còn chạy theo sản lượng như trước, mà phải chú trọng chất lượng. Vì vậy, chính quyền và nông dân phải thay đổi tư duy về vai trò của doanh nghiệp với hiệp hội ngành hàng; không thể làm đơn giá trị, mà phải sản xuất đa giá trị của một nền nông nghiệp; phải kết nối đầu vào với đầu ra trong chuỗi liên kết giá sản xuất.
Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, thay thế các mô hình công nghệ nông nghiệp,… để đưa ngành Nông nghiệp vượt qua những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, tiếp tục khẳng định vị thế “trụ đỡ” của nền kinh tế.
Theo Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021), mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp đạt bình quân từ 2,5 đến 3%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 7 đến 8%/năm. Một trong những giải pháp được xác định là ưu tiên nguồn lực đầu tư để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành để đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực quốc gia...