Nói đến Tây Nguyên, trong tâm thức của người Việt hiện đại không chỉ là đại ngàn của rừng, của những mái nhà rông, của cồng chiêng hay sử thi... Tây Nguyên hiện đại sau thời gian dài mở cửa đã quen thuộc với chúng ta qua du lịch, cà phê, thậm chí là cả thể thao với đội bóng Hoàng Anh Gia Lai.
Giữa sự phát triển với nhịp độ nhanh và ngày một hiện đại của Tây Nguyên cùng các vùng miền khác, thì vẫn còn đó trong lòng đại ngàn những nét văn hóa truyền thống của các DTTS cần giữ gìn, phát huy, trong đó có không gian văn hóa Tây Nguyên được nuôi dưỡng bằng những pho sử thi lưu truyền qua nhiều thế hệ như Sử thi Dăm Di, Sử thi Dăm Săn...
Qua những pho sử thi đậm chất huyền thoại của các dân tộc trên cao nguyên Lâm Viên, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Kim đã soi chiếu ngọn nguồn bản sắc phong tục, kinh tế, tư duy của những chủ nhân đất Tây Nguyên nơi tác phẩm Huyền thoại về một vùng đất.
Với Sử thi Dăm Di, hình tượng các anh hùng là chủ đề trung tâm có sức mạnh phi thường, đầy nam tính. Sức mạnh của họ lại được nhân lên gấp bội, bởi việc sử dụng các vũ khí kim loại như kiên, đao, giác, mác điêu luyện. Còn phụ nữ, những vật trang sức trâm đồng, chuỗi cườm vàng, vòng bạc... là những vật thiết yếu tôn vẻ đẹp nữ tính. Điều đó chứng tỏ "kim loại và thời đại kim khí đã trở thành một chủ đề lớn của sử thi Dăm Di".
Trong sinh hoạt tinh thần hiện nay, nhiều dân tộc Tây Nguyên vẫn giữ truyền thống chơi và thi thả diều. Truyền thống này trong Sử thi Dăm Di đã ghi nhận đậm nét và mang tính thiêng. Diều bay qua buôn làng nào cũng được cúng rượu, gà trắng, trâu khoang...
"Khi lên trời cao, cánh diều của anh em Dăm Di đã diễn ra ba cuộc chuyển hóa: Đón nhận năng lượng từ Mặt Trời, hòa nhập với tầng trời để trở thành sinh thể hữu linh và cuối cùng là trở thành một cánh Chim thần khổng lồ bay liệng trên trời cao quan sát để cứu giúp và trừng phạt", GS, Nguyễn Văn Kim đúc kết.
Soi chiếu qua trang phục, cũng là một biểu hiện văn hóa đại ngàn đậm nét. Trong các sử thi, những nàng H'Nhí, H'Bhi quen thuộc với công việc dệt vải. Họa tiết trên những trang phục phản ánh cả một thế giới tự nhiên phong phú, sống động của Trường Sơn - Tây Nguyên. Ngoài hình tượng con người, còn có các loài bò, gấu, hổ, chim, cá, rắn của hệ sinh thái nhiệt đới.
Những động vật trên sản phẩm dệt trong sử thi "đều thể hiện trong trạng thái động, mô tả sinh động đời sống thực tại" và cả tín ngưỡng vật linh của người Ê-Đê. Thú biểu thị thế giới thực tại, chim là động vật có cánh biểu tượng của trời, Mặt Trời và thế giới bên kia. Trong khi đó trăn, rắn, cá... lại là biểu tượng của thế giới bên dưới, của âm. Những triết lý thâm sâu ấy, được biểu thị trên trang phục Ê-Đê truyền thống.
Đi qua 9 chương sách, những kiến giải từ lăng kính sử thi dần làm sáng rõ nhiều vấn đề liên quan của người Ê-Đê trên đất Tây Nguyên: Tư duy biển, quan niệm, vai trò của nước (Chương I-II); Không gian sinh tồn (Chương III); Quan hệ kinh tế, văn hóa trong nghề dệt, chiếc ché, luật tục (Chương IV-VIII); Tính huyền thoại và chân thực của sử thi Tây Nguyên (Chương IX).
Công nghệ thông tin ngày một phát triển, hiểu biết về văn hóa, tộc người Tây Nguyên ngày càng mở với đại chúng. Tuy nhiên, tầng sâu văn hóa truyền thống của các tộc người Tây Nguyên, trong đó có kho tàng sử thi phản ánh một căn tính văn hóa Tây Nguyên hiện tại, đang dần mai một; thì, việc phải giữ gìn, nghiên cứu cần thiết hơn bao giờ hết. Huyền thoại về một vùng đất vì thế, càng trở nên ý nghĩa trong một chỉ hướng nghiên cứu sử thi Tây Nguyên.