Cách đây 6 năm, gia đình ông Giàng Sào Lìn, ở thôn Lao Ma Chải, xã Pha Long, huyện Mường Khương đã mạnh dạn trồng gần 200 gốc quýt trên đất ruộng của gia đình. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, mà vụ quýt này vườn quýt của gia đinh ông thuộc diện sai quả nhất trong xã. Ông Lìn cho biết, trước đây cũng diện tích đất này trồng ngô, lúa thì chẳng được là bao; dù vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn. Nhờ trồng cây quýt mà gia đình ông có thu nhập cao gấp 4-5 lần trên cùng diện tích canh tác.
“Trước đây, thấy một số bà cong trong thôn, trong xã trồng quýt thu được nhiều tiền; mình nghĩ cũng ruộng đất này, cũng khí hậu này sao mình không trồng quýt mà cứ quanh quẩn với cây ngô, cây lúa. Một vài năm đầu mới trồng, thì quýt hiệu quả cũng chưa cao do mình thiếu kỹ thuật chăm sóc. Rồi học hỏi dần dần cũng đã biết cách chăm sóc, tỉa cành đúng sao cho quýt ra sai quả. Gia đình dự định sắp tới sẽ trồng thêm trăm gốc nữa để có thêm thu nhập”, ông Lìn chia sẻ.
Mô hình trồng quýt cho thu nhập cao của gia đình ông Lìn chỉ là một trong hàng trăm mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang mang lại hiệu quả của người dân trên địa bàn huyện vùng cao Mường Khương. Là huyện 30a của tỉnh Lào Cai, với quyết tâm giảm nghèo nhanh và bền vững, thời gian qua huyện Mường Khương đã có nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp với điều kiện từng địa bàn; trong đó, trọng tâm là phát huy nội lực của chính đồng bào các dân tộc.
Là một trong 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Lào Cai, những năm qua cấp ủy, chính quyền xã La Pán Tẩn xác định, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm và đã đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế. Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm đều qua từng năm. Để phát triển kinh tế, xã xác định nông nghiệp hàng hóa là “chìa khóa”. Xã thực hiện “1 cây, 1 con” chủ lực là cây chè, lợn đen bản địa và “1 cây, 1 con tiềm năng” là gà bản địa và cây quế. Nhờ xác định đúng và trúng các loại cây, con chủ lực nên đã nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng của người dân.
Trước đây, gia đình bà Giàng Thị Dở ở thôn La Pán Tẩn thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhờ mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang trồng gần 1 ha chè, nuôi 3 con trâu sinh sản, duy trì đàn lợn đen bản địa hơn 10 con/lứa… mỗi năm gia đình bà thu nhập gần 100 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình bà đã thoát nghèo từng bước vươn lên hộ khá trong thôn, trong xã.
Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua huyện Mường Khương đã lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực, tiềm năng theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Giàng Quốc Hưng, Bí thư huyện ủy Mường Khương cho biết: Đến nay, huyện đã phát triển được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị như: Vùng chè 4.915 ha, vùng dứa 1.638 ha, vùng chuối 463 ha, vùng quýt 815 ha; các vùng sản xuất hàng hóa này đã mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định, bền vững cho Nhân dân, giúp người dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Nhờ đó, kinh tế - xã hội của huyện đã có nhiều thay đổi tích cực. Toàn huyện đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 80% các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa… Đặc biệt, đời sống người dân được nâng lên, thu nhập tăng, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Khương những năm gần đây cũng theo đó giảm dần.
“Để đạt được những kết quả này, tôi cho rằng, việc thực hiện chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đã thể hiện được “ý Đảng, lòng dân”, khơi dậy được tinh thần tự lực, quyết tâm thoát nghèo của đồng bào các dân tộc trong huyện. Năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo của Mương Khương là 39,67% (giảm 7,66% so với năm 2021). Trong năm 2023 này, chúng tôi dự kiến tỷ lệ giảm nghèo của huyện đạt đạt 6,56%”, ông Hưng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hưng, bên cạnh các nguồn lực đầu tư của Nhà nước từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 thì giải pháp giảm nghèo tốt nhất chính là khơi dậy sự chủ động, quyết tâm vươn lên của người dân Qua đó, phát huy được nội lực của Nhân dân, cùng chung sức xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.